Số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp gia tăng, nhưng nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch. (Ảnh: Reuters)

Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 176.106.812 ca nhiễm, trong đó có 1.765.800 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 137.394.214 ca nhiễm và 1.398.621 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 96.380.272 ca nhiễm và 1.438.631 ca tử vong; Nam Mỹ có 55.998.057 ca nhiễm và 1.286.404 ca tử vong; châu Phi có 11.692.707 ca nhiễm bệnh và 252.451 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 5.204.531 ca lây nhiễm và 8.720 ca tử vong.

Hết ngày 28/3, châu Âu ghi nhận 453.913 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1.231 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Đức là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 25.059.028 ca nhiễm bệnh và 141.821 ca tử vong; Anh có 20.691.123 ca nhiễm và 164.454 ca tử vong. Đức ghi nhận 20.465.072 ca lây nhiễm, trong đó 129.106 ca tử vong vì COVID-19.

Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp gia tăng, nhưng nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch. Khẩu trang và chứng nhận y tế không còn là điều kiện bắt buộc. Quy định cách ly cũng đã bớt chặt chẽ hơn. Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí tập thể đã gần như trở lại trạng thái bình thường cũ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp hạn chế ở thời điểm này là quá sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Pháp cho rằng tuy số ca mắc mới COVID-19 tăng nhưng số bệnh nhân nặng phải nhập viện và số ca tử vong đã giảm đáng kể, các bệnh viện không còn chịu nhiều áp lực như trước. Điều này chứng tỏ biến thể Omicron đã suy yếu và không còn gây lo ngại.

Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 310.601 ca mắc mới và 939 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 187.213 ca nhiễm, trong đó 287 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên sau 25 ngày số ca nhiễm mới tại nước này giảm xuống dưới ngưỡng 200.000 ca, một dấu hiệu cho thấy giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã qua. Phát biểu tại một cuộc họp cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh vào tuần trước và hiện chuyển sang xu hướng giảm sau 11 tuần.

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 19.520 ca nhiễm COVID-19 mới và 151 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…

Cuối tuần qua, Hawaii là bang cuối cùng tại Mỹ nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch. Theo đó, bang này cũng tạm dừng chương trình du lịch an toàn, trong đó yêu cầu các du khách phải tự cách ly và cung cấp xác nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm. Như vậy, tất cả các bang của Mỹ hiện đã dỡ bỏ các quy định phòng dịch. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này vẫn đang thận trọng theo dõi diễn biến dịch bệnh liên quan sự xuất hiện của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron được cho là có khả năng lây lan cao hơn cả bản gốc.

Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.852.341 ca nhiễm, trong đó 658.956 ca tử vong vì COVID-19.

Châu Đại dương ghi nhận có thêm 60.383 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 15 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.713.833 ca nhiễm COVID-19, trong đó 99.970 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia.../.