Nhiều người đã ví bão Ida hoành hành tại vùng vịnh Đông Nam nước Mỹ vào tuần trước như một con “quái vật” có sức tàn phá ghê gớm. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc, bão Ida có thể trở thành thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay. Thiệt hại về kinh tế do bão Ida có thể cao hơn thiệt hại do bão Katrina 16 năm về trước. Cơn bão gây ra mưa to, gió lớn, ngập lụt trên diện rộng,… tại các bang Lousiana, Mississippi, New York, New Jersey,… và cướp đi sinh mạng của hơn 50 người. Bão Ida với sức gió lên tới 240 km/h đã gây hư hại các giàn khoan dầu ngoài khơi và các giếng dầu trên đất liền cũng như các nhà máy hóa dầu tại khu vực Vịnh Mexico. Khoảng 88% các cơ sở sản xuất dầu ở ngoài khơi khu vực này vẫn đóng cửa, trong khi hơn 100 giếng dầu bị ảnh hưởng sau khi cơn bão đổ bộ vào ngày 29/8 vừa qua.
Một mái nhà bị gió thổi bay xuống lòng đường ở New Orleans khi bão Ida tấn công nước Mỹ. (Ảnh: AP) |
Tháng 7 vừa qua, trận lũ lụt tại Đức khiến ít nhất 171 người thiệt mạng, được đánh giá là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất tại nước này trong 6 thập kỷ qua. Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến bất thường về thời tiết ở quốc gia này. Không chỉ Đức, một số quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Anh, Ý, Hà Lan, Thụy Sỹ … cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ. Trên khắp châu Âu, hơn 200 người đã thiệt mạng, hàng trăm người vẫn mất tích và hàng trăm người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa bị phá hủy vì mưa lũ. Giới chuyên gia đánh giá đây là đợt mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua và có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, thậm chí với cường độ mạnh hơn nữa - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng biến đối khí hậu đã tác động trực tiếp tới đời sống người dân.
Cũng trong tháng 7/2021, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) hứng chịu một đợt mưa lũ “nghìn năm có một”. Chỉ trong vòng hai tuần kể từ trung tuần tháng 7, gần 14 triệu người tại 150 quận, huyện và thành phố ở Hà Nam đã bị ảnh hưởng bởi mưa bão, lũ lụt. Hơn 930.000 người trong tỉnh đã phải di dời khẩn cấp, hơn 840.000 ngôi nhà bị sập hoặc thiệt hại trên toàn tỉnh. Thảm họa thiên nhiên đã gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 90,981 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD). Con số thiệt hại ở Hà Nam chiếm phần lớn trong tổng số thiệt hại do lũ lụt, mưa bão ở Trung Quốc tính từ đầu năm tới nay.
Cùng với lũ lụt thì nắng nóng cũng là hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra ở nhiều khu vực trên khắp thế giới. Tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm trên thế giới, nhưng tháng 7/2021 đã trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong hơn 100 năm qua.
Tại Mỹ, nhiều bang đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 40 độ C. Nhiệt độ ở tỉnh British Columbia (Canada) có lúc lên tới 49,5 độ C - mức cao chưa từng có trong lịch sử nước này, khiến hàng trăm người tử vong. Tháng 8, đảo Sicily của Italy chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức 48,8 độ C - được dự báo là mức cao kỷ lục mới ở châu Âu.
Nắng nóng kỷ lục thiêu đốt các quốc gia Nam Âu, gây ra những trận cháy rừng tàn khốc. Từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Pháp… hàng chục ngàn vụ cháy rừng đã tàn phá nhà cửa và cướp đi nhiều sinh mạng. Năm 2021 gần như chắc chắn là 1 trong 10 năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới.
Rõ ràng, những tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu rõ nét trên nhiều phương diện, ở khắp các quốc gia trên thế giới với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy những thách thức mà nhân loại hiện nay đang phải đối mặt. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, việc phớt lờ những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến con người phải gánh chịu những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Chúng ta đã làm, nhưng chưa đủ!
Một thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 1/9 cho thấy, số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.
Những năm 1970, trung bình mỗi năm có hơn 700 hiện tượng thiên tai, trong khi từ năm 2000 đến 2009, mỗi năm ghi nhận hơn 3.500 vụ, tương đương với khoảng 10 vụ mỗi ngày. Trong những năm 2010, trung bình mỗi năm ghi nhận 3.165 vụ thiên tai. Số người thiệt mạng trong những năm gần đây có giảm so với thời kỳ cách đây 50 năm. Trong những năm 1970 và 1980, thảm họa tự nhiên giết chết trung bình khoảng 170 người mỗi ngày trên toàn thế giới, trong khi con số này vào năm 2010 chỉ là 40 người.
Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến cháy rừng lan rộng ở Hy Lạp trong thời gian qua (Ảnh: AP) |
Tác động do biến đổi khí hậu, vì vậy trở thành nguyên nhân chính gây ra các thách thức an ninh khí hậu, thiệt hại kinh tế, các vấn đề xã hội do gia tăng hiện tượng người di cư và kéo theo là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phát triển và ổn định của mỗi quốc gia.
Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu còn là mối nguy hại số một đến sức khỏe con người trong thế kỷ 21. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2030, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm ít nhất 250.000 người thiệt mạng mỗi năm, cùng với 7 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí.
Từ thực tế mà Hy Lạp đang phải trải qua dưới tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng: "Rõ ràng biến đổi khí hậu đang gõ cửa toàn bộ hành tinh của chúng ta với những trận thiên tai trong thời gian vừa qua. Nhưng đó là lời giải thích, chứ không phải thứ để mang ra chống chế. Chúng ta có thể đã làm mọi thứ trong phạm vi con người, nhưng dường như chúng vẫn vẫn chưa đủ để chống lại cơn thịnh nộ của tự nhiên".
Đúng vậy, chúng ta đã làm nhưng chưa đủ! Nói như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: “Con người vẫn đang ngày càng hứng chịu các thảm họa tự nhiên với tần suất nhiều hơn, nặng nề hơn; các nỗ lực toàn cầu vì thế đòi hỏi phải nhanh hơn, quyết liệt hơn”.
Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, biến đổi khí hậu không những ngày càng tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị và mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn trở thành mối đe dọa cấp số nhân, làm trầm trọng thêm các nhân tố có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Khi biến đổi khí hậu đã gõ cửa khắp hành tinh, khi tác động từ nó là điều không thể phủ nhận thì việc nỗ lực để đảm bảo một tương lai thích ứng tốt hơn là điều con người có thể làm được. Nâng cao nhận thức, thay đổi chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, biến cam kết thành hành động là điều mà các quốc gia cần khẩn trương thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu. Và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 tới đang được chờ đợi để đưa ra những câu trả lời cụ thể hơn cho vấn đề này./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!