Cùng với Mỹ, đồng tổ chức hội nghị này có Belize, Đức, Indonesia và Senegal. Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu đầu tiên do Mỹ tổ chức vào tháng 9 năm ngoái, đã quy tụ đại diện đến từ hơn 100 tổ chức và quốc gia trên thế giới. Theo Nhà Trắng, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 sẽ tiếp nối các chủ đề của sự kiện diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, bao gồm hoạt động logistic để đưa vaccine tới đối tượng tiêm chủng; xét nghiệm và điều trị cho các nhóm nguy cơ cao; nâng cao năng lực sản xuất vaccine; tăng số lượng nhân viên y tế công cộng.

Tuyên bố được đăng trên trang web của Nhà Trắng ngày 18/4 nêu rõ: “Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ 2 sẽ nhân đôi nỗ lực chung của chúng ta nhằm chấm dứt giai đoạn nguy cấp của đại dịch COVID-19, đồng thời chuẩn bị cho các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai",

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 18/4, các nước tổ chức hội nghị đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới, các thành viên xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, các nhà từ thiện và những người hoạt động trong lĩnh vực tư nhân thực hiện các cam kết mới và đưa ra những giải pháp để tiêm chủng cho dân số thế giới, cứu sống sinh mạng con người và xây dựng an ninh y tế tốt hơn – cho mọi người, ở tất cả mọi nơi.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng chỉ ra rằng, sự xuất hiện và lan rộng của các biến thể mới như Omicron đã củng cố tính cần thiết của một chiến lược kiểm soát COVID-19 trên toàn thế giới.

Cuộc gặp lần thứ 2 của các nhà lãnh đạo toàn cầu về COVID-19 diễn ra trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người, tác động nghiêm trọng đến kinh tế và thương mại toàn cầu trong 2 năm qua. Cho đến nay, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đang có dấu hiệu cải thiện, với số ca nhiễm và tử vong giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự biến đổi không ngừng của virus vẫn là lời nhắc nhở chúng ta rằng, COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu và con người cần luôn sẵn sàng cho điều đó.

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo nguy cơ nước này phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron gây nên.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số liệu cho thấy số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng mùa Đông đang đến gần với các nước Nam bán cầu và làm gia tăng nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới.  

Tiến sỹ Matshidiso Moeti - Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho rằng, cùng với sự lưu hành của virus, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn vẫn còn hiện hữu. Chính vì thế, các biện pháp kiểm soát đại dịch vẫn đóng vai trò then chốt để đối phó hiệu quả với sự gia tăng số ca nhiễm./.