Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 613.323 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 46.552 ca và 303 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 31.917.279 ca và 575.819 ca.
Xét nghiệm COVID-19 ở Ấn Độ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai sau Mỹ bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh: ANI) |
Với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 169.899 ca trong ngày 11/4, Ấn Độ vượt Brazil trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Số ca tử vong ghi nhận cùng ngày cũng ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, với 904 ca. Hiện ổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới 13.525.364 ca, trong đó 170.209 ca tử vong. Riêng thủ đô New Delhi đang chứng kiến làn sóng dịch thứ 4, khi số ca nhiễm mới lên tới hơn 10 nghìn ca, so với tháng trước mỗi ngày chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca nhiễm mới. Đề cập phương án phong tỏa để ngăn chặn dịch, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal kêu gọi người dân tiêm chủng phòng dịch và tuân thủ các quy định phòng chống dịch như đeo khầu trang, rửa tay thường xuyên, tránh ra khỏi nhà nếu không cần thiết.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 13.482.023 ca và số ca tử vong là 353.137. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 37.017 ca nhiễm mới. Trong khi đó Mexico trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 209.212 ca, tổng số ca nhiễm ở nước này là 2.278.420 ca.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (41.652.028 ca). Với 36.801.946 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 31.227.725 ca và Nam Mỹ với 22.482.383 ca. Châu Phi (4.384.796 ca) và châu Đại Dương (59.721 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại châu Âu, Pháp là quốc gia dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 với 5.058.680 ca, trong đó 98.750 ca đã tử vong. Trong ngày 11/4, nước này ghi nhận thêm 34.895 ca nhiễm mới.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện Mexico ghi nhận 2.278.420 ca nhiễm, 209.212 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Colombia là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.536.198 ca nhiễm, trong đó 65.889 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.558.458 ca, trong đó 53.322 ca đã tử vong.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.402 ca, trong đó 909 ca đã tử vong.
Tại châu Á, ngày 11/4, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo nước này đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia do dịch COVID-19, khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như số ca tử vong bất ngờ tăng cao. Đại diện WHO tại Campuchia, bà Li Ailan cảnh báo nếu nước này không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra thì toàn bộ hệ thống y tế có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc. Cùng ngày, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang, cảnh báo những trường hợp trốn tiêm chủng sẽ bị kỷ luật. Tuy nhiên, sắc lệnh không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Trong khi đó, Bộ Y tế Lào ngày thông báo một ca nhiễm mới COVID-19 có thể là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở nước này sau khoảng 1 năm. Trường hợp này là nam doanh nhân 41 tuổi quốc tịch Thái Lan, đã ở Lào hơn 1 năm. Người này đã có tiếp xúc với một số người Thái Lan nhập cảnh trái phép khoảng 1 tuần trước đây và ngày 10/4 người này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện nhà chức trách đang đẩy mạnh truy vết nguồn lây. Tổng số ca mắc ở Lào là 51 ca, trong đó chưa có trường hợp nào tử vong. Trước tình hình trên, nhà chức trách Lào tiếp tục kêu gọi người dân tăng cường cẩn trọng trong dịp tết năm mới Bun Pi May 2021 sắp tới; thực hiện đầy đủ các quy định và biện pháp phòng ngừa COVID-19 để giảm thiểu nguy cơ khiến đất nước đối mặt với đợt bùng phát dịch mới.
Tại nước Thái Lan láng giềng, Bộ Y tế ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch tái bùng phát, với 967 ca ghi nhận ngày 11/4, trong đó thủ đô Bangkok chiếm nhiều nhất với 236 ca. Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Sophon Iamsirithaworn đánh giá tình hình dịch bệnh ở Thái Lan hiện nay rất đáng lo ngại. Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này không có chính sách cho phép bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại nhà và người nhiễm bệnh phải nhập viện. Trong trường hợp bệnh viện hết giường bệnh thì sẽ có hệ thống chuyển tiếp tới bệnh viện dã chiến và hệ thống bệnh viện khách sạn để điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tổng số ca nhiễm ở Thái Lan là 32.625 ca./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!