Là một trong 61 huyện nghèo trong cả nước, Bắc Yên có 5 xã vùng cao, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Để xóa nghèo bền vững, huyện tập trung mọi nguồn lực, định hướng sản xuất, hỗ trợ mọi mặt để các xã vùng cao phát triển. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện về định hướng công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bà con xã Xím Vàng (Bắc Yên) làm ruộng bậc thang trồng lúa nước.
Ảnh: PV
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình kinh tế - xã hội của các xã vùng cao trên địa bàn huyện?
Đ/c Lê Văn Kỳ: Bắc Yên có 5 xã vùng cao, gồm: Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú; 100% là đồng bào dân tộc Mông; lao động tham gia sản xuất nông lâm nghiệp hầu như chưa được đào tạo, nếu có thì khả năng áp dụng vào thực tế cũng rất thấp; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Ngoài Tà Xùa có chè đặc sản, Hang Chú có diện tích cây sơn tra khá lớn, ở các xã còn lại người dân chủ yếu canh tác ruộng bậc thang, diện tích khoảng 1.000 ha; ngoài ra trồng sắn, ngô trên nương rẫy. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn... còn khó khăn, giá bán nông sản của bà con không cao so sản phẩm cùng loại ở vùng thấp.
PV: Huyện thực hiện những giải pháp gì để giúp các xã vùng cao phát triển kinh tế - xã hội? Những kết quả bước đầu đạt được ra sao, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Văn Kỳ: Từ năm 2012-2018, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành 51 văn bản chỉ đạo thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Đối với 5 xã vùng cao, do có điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế khác nhau, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho riêng hai xã Tà Xùa và Háng Đồng; xây dựng kế hoạch chung đối với 3 xã Làng Chếu, Hang Chú, Xím Vàng. Hai xã Tà Xùa và Háng Đồng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng, nên huyện chỉ đạo mở rộng vùng trồng cây chè đặc sản trên cả 2 xã. Đây cũng là mục tiêu để xây dựng vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc. Tổng diện tích chè của huyện hiện có 178,4 ha, 95 ha đã cho sản phẩm.
Mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng của người dân xã Hang Chú (Bắc Yên).
Đối với các xã Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết tập trung mở rộng diện tích trồng mới và cải tạo cây sơn tra. Độ che phủ rừng tại các xã này khá cao, huyện chỉ đạo các xã khai thác lợi thế để phát triển nghề lâm nghiệp. Đồng thời, trồng mới một số loại cây như thảo quả, măng tây, sa nhân, cùng một số loại cây dược liệu khác dưới tán rừng. Điều này giúp người dân được hưởng phần chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng thu nhập, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng...
Huyện cũng đã chỉ đạo các xã rà soát xác định nguyên nhân nghèo của các hộ dân; phân loại các hộ nghèo thành 8 nhóm, gồm: Thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu đất sản xuất; không biết cách làm ăn, không có tay nghề; thiếu lao động; đông người ăn theo; không có khả năng lao động; lười lao động và thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, có giải pháp hỗ trợ từng nhóm hộ nghèo phù hợp. Ví dụ, sử dụng quỹ đất 5% của xã chia cho các hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa qua đào tạo và hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho nhóm hộ không có vốn sản xuất... Từ năm 2015 đến nay, thông qua nguồn vốn của các chương trình, dự án và ngân sách huyện, đã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng cho 5 xã vùng cao phát triển kinh tế; trên 124 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, riêng năm 2018, các xã vùng cao của huyện đã trồng mới 219 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả của 5 xã vùng cao lên 2.329 ha, riêng cây sơn tra có trên 2.211 ha; trồng mới 49 ha chè...; đưa các loại giống ngô mới, sắn cao sản vào trồng trên diện tích đất nương, sản lượng khoảng 4.424 tấn/năm.
Tại các xã vùng cao, đời sống văn hóa tinh thần của người dân khá phong phú, đa dạng, đặc biệt có hai điểm du lịch nổi tiếng là “Thiên đường mây Tà Xùa” và “Sống lưng khủng long” tại xã Háng Đồng. Đây là tiềm năng để phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch. Huyện đã chỉ đạo các xã khai thác lợi thế, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Lượng khách du lịch đến Bắc Yên tăng từ 28 nghìn lượt người năm 2017 lên trên 32 nghìn lượt năm 2018. Huyện còn công bố quy hoạch 3 điểm du lịch mới, gồm: Hang A Phủ tại xã Hồng Ngài; hồ sen xã Hua Nhàn và bãi đá cổ tại xã Hang Chú.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, sự hỗ trợ của Nhà nước đời sống người dân ở 5 xã vùng cao trên địa bàn huyện đã khởi sắc rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Tà Xùa 39,12%, Háng Đồng 56,55%, Làng Chếu 33,92%, Xím Vàng 48,37%, Hang Chú 36,75%. Hiện chỉ còn hai bản Háng Đồng C và Làng Sáng thuộc xã Háng Đồng chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa bản... được đầu tư xây dựng mới và tu sửa, nâng cấp. Đồng bào đều được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường...
PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của huyện hỗ trợ các xã vùng cao phát triển bền vững trong thời gian tới?
Đ/c Lê Văn Kỳ: Ngay trong năm 2019, huyện tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, đường giao thông cho 5 xã vùng cao, tạo tiền đề phát triển du lịch tại các điểm du lịch đã được quy hoạch. Ngoài ra, góp phần tạo thuận lợi vận chuyển nông sản từ các xã về trung tâm huyện. Thống nhất cơ chế lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã. Phát huy nguồn lực tại chỗ; vận động những hộ có mức sống khá góp công, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích cây dược liệu dưới tán rừng. Chú trọng tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm dược liệu cho bà con. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng, cải tạo và phát triển các điểm du lịch, mở rộng đào tạo nguồn nhân lực địa phương tham gia hoạt động ngành du lịch để giải quyết tình trạng thiếu việc làm cho người dân các xã vùng cao...
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Khải Hoàn (thực hiện)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!