Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp tới thăm khu rừng khoanh nuôi và bảo vệ của bản Pót, xã Mường Khoa (Bắc Yên). Hút vào tầm mắt là cánh rừng bạt ngàn xanh tốt với trên 500 ha được nhân dân bảo vệ, chăm sóc.
Diện tích rừng ở bản Pót được khoanh nuôi bảo vệ, phát triển tốt.
Chúng tôi được Phó bản Lừ Văn Ính dẫn đường vào rừng và kể về lợi ích mà rừng mang lại cho nhân dân. Như chuyên gia, anh Ính bảo: Giữ rừng là giữ nguồn nước, là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, không khí trong lành. Người dân nơi đây có thể thu hái măng, lấy mật ong, sa nhân, dưới tán rừng; dựng lán trại nuôi lợn đen, gà rừng tạo ra đặc sản của vùng này. Từ số tiền Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản thống nhất để mua hơn 700 m³ cát sỏi bê tông tuyến đường nội đồng dài hơn 1,2 km. Tiếp tục đi khoảng 400m đường đất, men khe suối, chúng tôi đến “cửa rừng”. Đi sâu vào rừng, dưới những tán cây, dòng nước suối mát lạnh. Nơi đây có nhiều cây gỗ to, những cây gỗ quý: Muồng, lát, sấu... đường kính khoảng 1,2 - 1,5m, cao 40 m, rễ cây trồi lên khỏi mặt đất, trên thân có nhiều dây leo, tán cây xòe rộng, tỏa bóng sum suê, tiếng chim hót ríu rít. Dưới suối, những con cua đá thấy động, bò nhanh nép mình sau những phiến đá... Nhặt quả sấu rừng do mấy chú sóc đánh rơi, khác với sấu trồng, sấu rừng có vỏ ngoài xanh nhạt, có gai nhỏ, nếm thử có vị chua nhẹ, mùi thơm.
Phó bản Lường Văn Ính nhớ lại: Năm 2011, 20 ha rừng khu vực giáp ranh bị cháy do người dân xã Tạ Khoa đốt nương không may bén lửa vào rừng. Bản đã huy động nhân dân khẩn trương phát đường băng cản lửa, nhanh chóng dập tắt đám cháy. Trước đây, “lâm tặc” chủ yếu đốn cây bằng rìu, tuy nhiên những năm gần đây chúng sử dụng cưa máy, hoạt động vào ban đêm, những thời điểm ít bị tuần tra. Nhưng nhờ có những người dân dựng lán trại chăn nuôi ở trong rừng, thấy dấu hiệu lạ, kịp thời báo tin cho tổ bảo vệ ngăn chặn những hành vi của kẻ xấu làm tổn hại rừng. Nhân dân trong bản ai cũng có ý thức giữ rừng. Kể cả lấy măng rừng, bà con chỉ lấy măng lay, không lấy măng bương để măng lên thành cây, thành rừng.
Gặp bà Lừ Thị My đi hái sa nhân trong rừng, trên đường trở về. Trò chuyện với chúng tôi, bà My nói: Mùa này, sa nhân và măng trong rừng nhiều, được sự cho phép của Ban quản lý bản, chúng tôi đi hái sa nhân, lấy măng cải thiện bữa ăn của gia đình. Còn ông Hà Văn Bẻo cho biết: Gia đình tôi dựng lán trại chăn nuôi ở khu vực giáp ranh giữa xã Tạ Khoa với xã Hua Nhàn; duy trì đàn lợn đen 20 con và 100 con gà. Với giá 100 - 120.000 đồng/kg, thu nhập mỗi năm trừ chi phí thu gần 100 triệu đồng. Khi ở lán trại trong rừng, tôi làm nhiệm vụ canh gác rừng, nếu có dấu hiệu lạ sẽ báo tin ngay cho tổ quản lý và bảo vệ rừng của bản.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý bản đã lồng ghép tuyên truyền về Luật bảo vệ và Phát triển rừng, giao cho các hộ dân trực tiếp bảo vệ. Đồng thời, thành lập tổ quản lý và bảo vệ rừng với 10 người gồm: Dân quân tự vệ, công an viên, đoàn viên thanh niên thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng. Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, quy ước, hương ước của bản cũng ghi rõ không phát rừng làm nương rẫy, nhân dân không tự ý khai thác gỗ trong rừng. Khi sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cần gỗ thì hộ dân đó phải xin phép chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn, có giấy phép... Đối với số tiền Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản thống nhất trả trực tiếp cho 214 người trong lực lượng PCCCR của bản và sử dụng tiền đó vào những công việc chung, như làm đường giao thông nông thôn, san ủi sân bóng... Do công khai, minh bạch nên nhân dân đồng thuận cao, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc giữ rừng.
Ông Lường Văn Hiếu, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Mường Khoa, cho biết: Hằng năm, tôi xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR, phối hợp với chính quyền xã, trực tiếp đến các bản tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thông qua các hội nghị, họp bản. Thực hiện nghiêm chế độ trực 24/7 trong mùa khô, thời điểm dễ xảy ra cháy rừng. Tăng cường công tác, tuần tra nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Do đó, nhân dân trong xã đều thực hiện tốt việc giữ rừng nên nhiều năm nay, trong xã không xảy ra cháy rừng, không có vụ việc vi phạm. Bản Pót là một trong những điển hình về giữ rừng. Nhân dân trong bản tích cực phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn để bảo vệ rừng, từ năm 2012 đến nay, trong bản không xảy cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Trời về chiều, chúng tôi trở lại bản, nhìn những vạt rừng xanh tốt ngút tầm mắt, cảm nhận được sự quyết tâm giữ rừng của nhân dân bản Pót, với họ, rừng đã thực sự mang lại nguồn sống.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!