Pa Cư Sáng phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm gần đây, bà con bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (Bắc Yên) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo.

Người dân bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (Bắc Yên) phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Bản Pa Cư Sáng cách trung tâm xã Hang Chú 3 km; bản có 136 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cũng giống như các bản vùng cao khác, khí hậu nơi đây khá thấp; thời điểm giao mùa, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đàn vật nuôi. Trước đây, các hộ dân trong bản thường chăn nuôi gia súc theo tập quán thả rông trên nương đồi, trên rừng, dẫn đến dịch bệnh thường xảy ra trên đàn vật nuôi, hiệu quả kinh tế thấp. Mấy năm gần đây, nhận thấy nuôi trâu, bò bán chăn thả hoặc nhốt chuồng vừa kiểm soát được dịch bệnh, lại bảo vệ được đàn vật nuôi, người dân trong bản đã học hỏi kinh nghiệm của bà con các bản trong xã phương pháp chăm sóc đàn trâu, bò nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thêm thu nhập. 

Theo bà con bản Pa Cư Sáng, chuồng chăn nuôi trâu, bò được dựng nơi cao ráo, thuận lợi trong việc kiểm tra, chăm sóc và bảo đảm vệ sinh. Hằng năm, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ để phòng tránh dịch bệnh. Thức ăn chăn nuôi chủ yếu là cám, cỏ voi và các phụ phẩm sau khi thu hoạch, một số hộ trong bản còn duy trì nghề nấu rượu truyền thống, lấy bã rượu làm thức ăn cho vật nuôi. Được biết, những năm gần đây, xã Hang Chú nói chung và bản Pa Cư Sáng nói riêng thường xuyên được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ con giống trâu, bò để bà con phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi rẽ, con trâu, bò giống được giao cho một hộ gia đình nuôi, sau khi trâu, bò đẻ một thời gian, con mẹ sẽ tiếp tục được giao cho hộ khác nuôi. Bên cạnh đó, gia đình có điều kiện đã tự đầu tư mua trâu, bò về nuôi vỗ béo làm hàng hóa. Nhờ vậy, hiện nay, bản Pa Cư Sáng có 25 hộ dân nuôi trên 100 con trâu, bò, sau khi nuôi một năm, bán được từ 30-35 triệu đồng/con trâu hoặc con bò. Đặc biệt, bản Pa Cư Sáng đã xây dựng hương ước, trong đó quy định cấm thả rông gia súc, nếu phát hiện vật nuôi của hộ gia đình nào phá ruộng, phá nương của hộ gia đình khác thì chủ nhà có trâu, bò sẽ phải bồi thường đúng với giá trị mà trâu, bò đã làm hư hại. Bản còn thống nhất dành riêng một khu đất để chăn thả trâu, bò, vì vậy đã khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Đến thăm gia đình ông Giàng Khua Nếnh, bản Pa Cư Sáng, trong câu chuyện về nghề nấu rượu truyền thống nhiều năm nay, ông Nếnh nhắc nhiều việc tận dụng bã rượu chăn nuôi 10 con trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt chuồng. Ông Nếnh cho hay: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò theo tập quán thả rông, sau đó mới làm chuồng nuôi nhốt và tận dụng bã rượu làm thức ăn cho vật nuôi. Được chăm sóc chu đáo, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đàn trâu, bò tăng trưởng tốt. Mỗi năm gia đình tôi bán 5 con trâu, bò, thu về gần 180 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ bán rượu đặc sản do gia đình trưng cất, gia đình tôi có mức thu nhập ổn định, cuộc sống khá giả.

Việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ thả rông sang chăn nuôi bán chăn thả hoặc nuôi nhốt chuồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân bản Pa Cư Sáng. Đây là động lực để người dân nơi đây phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới