Nỗ lực thực hiện tiêm chủng ở huyện vùng cao

Huyện vùng cao Bắc Yên có 14 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã vùng cao với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống và các xã vùng lòng hồ sông Đà, hầu hết các bản ở rải rác, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, trình độ dân chí còn hạn chế nên công tác tiêm chủng gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần vượt khó, Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên luôn nỗ lực để đạt được kết quả tiêm chủng với con số ấn tượng: 95% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Bắc Yên tuyên truyền cho sản phụ về lợi ích của tiêm vắc-xin.

Theo ông Phạm Văn Hợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên: Mặc dù đạt được kết quả trên, nhưng công tác tiêm chủng của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, có việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm phòng, một phần là do nhận thức của người dân về công tác phòng bệnh chưa cao; thêm nữa phong tục tập quán của đồng bào Mông vùng cao là đứa trẻ được sinh ra trong ngày đầu tiên sẽ không cho nhân viên y tế hay bất kỳ ai chạm vào trừ bố mẹ. Do đó, để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về việc cho trẻ sơ sinh được tiêm chủng trong 24 giờ đầu tiên, cũng như vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tăng thời lượng tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc-xin phòng bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, của các xã, bản; chỉ đạo cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Các cơ sở y tế còn thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin về tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cung cấp tài liệu tuyên truyền và cử nhân viên y tế bản tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn.

Để đạt được mục tiêu: Tất cả các đối tượng trong diện tiêm chủng đều được hưởng lợi từ chương trình tiêm chủng mở rộng, các nhân viên y tế đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đi bộ cả quãng đường dài mang theo các thiết bị y tế đến các bản vùng sâu, vùng xa để triển khai tiêm chủng phòng bệnh và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Cùng với đó, trạm y tế các xã đảm bảo tốt các khâu bảo quản, quản lý vắc-xin, hòm thuốc chống sốc, phục vụ công tác tiêm chủng hiệu quả... Sau khi tiêm, trẻ được lưu lại ít nhất 30 phút tại trạm y tế xã để theo dõi phản ứng với vắc-xin, dưới sự giám sát trực tiếp của cán bộ chuyên môn; gia đình trẻ được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin tại gia đình. Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả đáng mừng: Tỷ lệ trẻ em được tiêm trong 24 giờ đầu tiên sau sinh đạt trên 90%. Nhờ vậy, trong những năm qua, bệnh dịch truyền nhiễm trên địa bàn huyện đã được kiểm soát, không bùng phát thành dịch lớn, sức khỏe của nhân dân từng bước được nâng cao.

Được biết, từ tháng 1/2019, Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên đã đưa vắc-xin ComBe Five mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là loại vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib). Do là loại vắc xin mới nên Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trong toàn huyện, để hiểu và nắm rõ hơn bản chất, tác dụng và cách theo dõi các dấu hiệu của trẻ nếu có phản ứng với tác dụng phụ của vắc-xin.

Thông tin với chúng tôi về công tác tiêm chủng mở rộng tại xã, bác sỹ Hà Tiến Sinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hang Chú (Bắc Yên) chia sẻ: Người dân xã Hang Chú chưa có nhận thức cao về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Cách đây 6 năm, trên địa bàn xã đã xảy ra dịch sởi, đã có 30 học sinh trước đó không tiêm vắc xin nên bị nhiễm bệnh. Trạm Y tế xã đã khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế dịch và điều trị kịp thời cho các cháu mắc bệnh, không có trường hợp tử vong. Cũng chính từ vụ dịch đó, chúng tôi đã phân tích sâu sắc về tác dụng của việc tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi, vì vậy nhận thức của người dân về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đã được nâng lên đáng kể, nhất là việc trẻ sơ sinh được tiêm phòng trong 24 giờ đầu tiên sau sinh. Đối với bản Nậm Lộng cách xã Hang Chú gần 30 cây số, mỗi tháng, chúng tôi đều phân công một đoàn công tác vào bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, kết hợp với tiêm các mũi vắc-xin lần 2, lần 3 cho trẻ và phụ nữ mang thai.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, điều này đã và đang được đội ngũ cán bộ y tế huyện Bắc Yên cụ thể hóa trong việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng đối tượng, góp phần rất lớn trong công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện vùng cao khó khăn.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới