Ở huyện vùng cao Bắc Yên, đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn, không ít em nhỏ trong gia đình hoàn cảnh éo le, có nguy cơ phải bỏ học. 2 năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên đã có nhiều hoạt động trợ giúp thiết thực, tiếp thêm nghị lực cho các em vượt qua khó khăn để đến trường.
Các giáo viên Trường Tiểu học xã Tạ Khoa (Bắc Yên) thăm hỏi, tặng quà em Hà Tuyết Nhung.
Những hoàn cảnh éo le
Cô giáo Kim Thị Thanh Thương, Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học - THCS Thị trấn Bắc Yên dẫn chúng tôi đến thăm nhà cậu học trò nghèo, học giỏi là em Lường Công Minh, lớp 9C. Nhà Minh ở bản Mới. Chiều muộn, chúng tôi đến trước cửa nhà gọi Minh thì được một phụ nữ chạc 30 tuổi bế con nhỏ, giới thiệu là Hoàng Thị Vinh, bác dâu của cháu Minh, nhà ở cạnh; tiếp đó là nhà ông bà nội cháu Minh, rồi niềm nở mời chúng tôi vào nhà đợi Minh đang đi chợ bán rau. Nhìn 3 căn nhà cuối bản, cuối xóm, giáp núi lụp xụp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà Minh xây bằng gạch block, chưa chát, bên trong trống huơ trống hoác, có mỗi cái tủ gỗ ép và cái giường ọp ẹp. Mái nhà thấp lè tè, chắp vá, chỗ lợp ngói, chỗ lợp bằng tôn mỏng.
Nhà không có ghế, chị Vinh trải chiếu xuống nền nhà còn ẩm ướt, mời khách ngồi và bộc bạch: Hôm qua, có trận mưa nhà dột ướt hết! Khổ lắm! Bố cháu Minh mắc bệnh tâm thần mấy năm, rồi ung thư gan và mất cách đây 3 năm, khi đó cháu Minh học lớp 6, còn đứa em là Lường Ngọc Chi mới 3 tuổi. Thương lắm! Nhưng không giúp được mấy, cả 3 nhà chúng tôi đều là hộ nghèo. Khi ông bà nội còn khỏe thì xây nhà cho, bây giờ thì ông bà đã già yếu, lực bất tòng tâm. Suốt 3 năm qua, tôi đưa đón đứa nhỏ đi học mầm non để mẹ cháu có thời gian làm thuê ở quán ăn, trông trẻ kiếm tiền nuôi các cháu. Vừa rồi, có người mách đi làm công nhân được nhiều tiền hơn, nên mẹ cháu Minh là chị Lò Thị Hiền gửi con cho ông bà nội trông nom để đi làm ở Hưng Yên. Cháu Minh đã từng đi làm thuê rửa bát, bưng bê ở quán phở, bán rau ở chợ. Cháu còn định bỏ ôn thi học sinh giỏi để có thời gian đi bán rau, kiếm tiền. Chuyện vừa nhắc đến Minh thì em về. Cậu học trò khôi ngô, có đôi mắt sáng, lễ phép chào hỏi chúng tôi. Cô giáo Kim Thị Thanh Thương, Hiệu trưởng nhà trường, đỡ lời: Cháu Minh đang ôn luyện thi học sinh giỏi môn sinh học của trường để thi cấp huyện. May mà các cô giáo động viên kịp thời, cháu mới tiếp tục ôn thi. Trường chúng tôi có khoảng 20 học sinh trong diện khó khăn thế này phải quan tâm thường xuyên, không là các em bỏ học.
Vượt qua nỗi đau mất bố và thiếu thốn về cơm ăn, áo mặc, em Minh học hành chăm chỉ, năm sau tiến bộ hơn năm trước. Từ lớp 6 đến nay, năm nào cũng được Giấy khen học sinh tiên tiến. Em Minh bảo thích môn sinh học, địa lý và môn lịch sử; điểm kiểm tra cuối năm qua ba môn này đều đạt điểm 9, điểm 10. Ước mơ sau này muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cứu người. Chắc hẳn trong tâm trí của Minh còn in đậm về hình ảnh người bố bị bệnh thần kinh đi siêu vẹo, nói năng lảm nhảm và cả những cơn đau vật vã do ung thư giai đoạn cuối, bố Minh mất khi khi chưa đầy 30 tuổi, để lại vợ và 2 con thơ dại.
Cùng chung cảnh ngộ là em Hà Tuyết Nhung, lớp 4B, Trường Tiểu học Tạ Khoa. Nhà em Nhung ở bản Nhạn Cuông, nằm ở trung tâm xã, nhưng đường vào khá khó khăn. Từ quốc lộ 37 vào khoảng 15 km đường đất đá, đi xe máy mở hết tốc độ cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ. Dừng chân trên đỉnh dốc sau khi vừa vượt đoạn đường đất lầy lội, anh Nguyễn Ngọc Diễn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tạ Khoa bảo: Bà con ở đây vẫn chủ yếu trồng ngô trên đất dốc, bạc màu nên thu nhập thấp lắm, đời sống còn nhiều khó khăn. Các em học sinh vùng này cũng nhiều thiệt thòi. Nhiều em áo đi học mặc cả tuần không có cái thay. Gia đình em Nhung lại éo le hơn, nhà nghèo, bố mất sớm. Thầy giáo Hà Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm của em Nhung, cho biết: Cách đây 1 năm, cháu bị ngã gãy tay, đã đi viện bó bột nhưng về nhà không may bị chệch, xương trồi lên. Do chưa có tiền đi mổ lại, nên cả năm học vừa qua, cháu phải mang khuyết tật ở tay, lúc nào cũng mặc áo dài tay để che đi. Căn nhà sàn ở đã nhuốm màu thời gian, nằm bên suối là nơi em Nhung sống với cụ 93 tuổi và bà nội đã ngoại lục tuần. Trên vách nhà treo Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ lần lượt là của cụ và ông nội em Nhung (đã mất). Chúng tôi lựa chuyện mãi mới hỏi về gia cảnh em Nhung. Cụ của em là Hà Văn Pâng, buồn bã: Bố cháu Nhung đi học đại học, chỉ còn 1 tuần nữa là thi tốt nghiệp, về thăm nhà thì không may bị tai biến đột ngột qua đời. Mẹ cháu đi làm công nhân ở Hưng Yên từ đầu năm. Tôi quay sang nhìn cô bé Nhung xinh xắn, có đôi mắt sáng, nhưng rụt dè. Sau vài câu bắt chuyện, tôi hỏi mẹ cháu có hay về không? Có hay gọi điện cho cháu không? Bỗng Nhung ứa nước mắt. Cụ Pâng lại bảo: Mẹ cháu đi làm, hè vừa rồi mới về một lần mang tiền, đưa cháu đi mổ tay.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, ở tất cả các xã trên địa bàn đều có những trường hợp khó khăn như trên. Các trường hợp này không thuộc diện được hỗ trợ học sinh bán trú, nên có nguy cơ bỏ học rất cao.
Giúp học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên học tập
Trong khó khăn, thiếu thốn ấy, các em như Lường Công Minh, Hà Tuyết Nhung đã nhận được sự giúp đỡ ân cần của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, như miễn giảm học phí, tặng quần áo, đồ dùng học tập, nên các em đi học chăm chỉ, học hành tiến bộ. Năm học trước, em Minh còn được Ban giám hiệu kết nối với nhà hảo tâm hỗ trợ 5 triệu đồng. Tin vui với em Minh là năm nay sẽ được Chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng trong 10 tháng của năm học.
Được sự giúp đỡ của các giáo viên, em Hoàng Công Minh,
lớp 9C Trường liên cấp Tiểu học - THCS thị trấn Bắc Yên học tập ngày càng tiến bộ.
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, chia sẻ: Ngoài phong trào khuyến học khuyến tài được duy trì nền nếp, 2 năm qua, thực hiện cuộc vận động cán bộ, giáo viên nhận giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La phát động, 100% các trường trên địa bàn huyện tổ chức quyên góp, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 732 cán bộ, giáo viên tham gia nhận đỡ đầu 592 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với trị giá trên 200 triệu đồng tiền mặt và các đồ dùng quần áo, sách vở, vật dụng sinh hoạt. Đối với học sinh yếu thì cử cán bộ tham gia kèm cặp, giúp đỡ. Năm học này, Phòng đã chỉ đạo các trường học tiếp tục rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp.
Tùy theo điều kiện, mỗi trường có cách giúp đỡ thiết thực riêng. Cô giáo Kim Thị Thanh Thương, Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học - THCS thị trấn, cho biết thêm: Nhà trường tổ chức mỗi năm một đợt quyên góp vào buổi chào cờ đầu tuần, vận động cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường, các nhà hảo tâm quyên góp để “thành tấm, thành món” hỗ trợ. Năm học 2016-2017, Trường quyên góp được 11 triệu đồng, hỗ trợ 24 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; năm học 2017-2018, quyên góp 16 triệu đồng, hỗ trợ 24 cháu bằng hiện vật theo hoàn cảnh của mỗi em.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Diễn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tạ Khoa, chia sẻ: Năm học 2016-2017, Trường nhận đỡ đầu 11 học sinh; năm học 2017-2018, đỡ đầu 10 học sinh, với số tiền khoảng 5-6 triệu đồng/năm. Năm học này, dự kiến sẽ đỡ đầu 9 học sinh, có điều kiện hoàn cảnh thực sự khó khăn, có ý thức vươn lên học tập. Trường có 31 cán bộ, giáo viên chia làm 10 nhóm, mỗi nhóm 3 người sẽ đỡ đầu 1 học sinh. Các nhóm phân công giáo viên đến từng nhà để tìm hiểu gia cảnh và động viên; nhất là việc tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em để giúp đỡ, khi thì chiếc áo, cái quần, đôi dép, vài cân gạo, thùng mỳ tôm. Như trường hợp đặc biệt là em Hà Tuyết Nhung, được nhà trường quan tâm hơn, vừa qua cũng đã thăm hỏi em đi mổ tay về.
Chuẩn bị đón mùa đông đến, các giáo viên huyện Bắc Yên lại cắt bớt một phần lương của mình để mua áo ấm, giúp các em học sinh vượt qua mùa đông buốt giá nơi vùng cao. Tuy các món quà vật chất không lớn, chưa đủ đề bù đắp những thiếu thốn của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng tấm lòng nhân hậu, những tình cảm ấm áp dành cho các em là nguồn động viên lớn giúp các em tiếp bước đến trường. Chia tay các giáo viên như thầy Diễn, cô Thương, tôi nhớ mãi lời nhắn nhủ: Chỉ mong có nhà hảo tâm nào biết được những khó khăn của những học sinh vùng cao Bắc Yên mà đến giúp đỡ các em vơi bớt khó khăn!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!