Xuất phát từ bến thuyền bản Pe, xã Song Pe, chúng tôi đến các xã Chim Vàn, Pắc Ngà của huyện Bắc Yên. Lênh đênh 2 ngày giữa mênh mông sông nước, bao câu chuyện về tình đất, tình người của người dân khiến chuyến đi mang thêm nhiều kỷ niệm lắng đọng và ý nghĩa.
Bến thuyền dưới chân cầu Tạ Khoa (Bắc Yên).
Chuyện cũ ở Bến phà Tạ Khoa
Thuyền về Pắc Ngà chạy khá sớm, nên chúng tôi đến bến thuyền bản Pe ngay dưới chân cầu Tạ Khoa trước 7h30 sáng cho kịp chuyến. Ngồi chờ xuất bến, chúng tôi được nghe khá nhiều câu chuyện về khúc sông này. Theo lời người bán hàng nước và những người sống ở đây lâu năm, thì hơn 72 km dòng Đà giang chảy qua địa phận Bắc Yên, đoạn này dòng nước chảy xiết nhất. Ông Mùi Văn Thương - một trong những người có thâm niên lái phà trên Bến Tạ Khoa 30 năm hồi tưởng- năm 2003, cây cầu Tạ Khoa hoàn thành, việc đi lại thông thương, thuận lợi, nên những người lái phà như ông đều chuyển sang lái thuyền chở khách; phục vụ yêu cầu của đơn vị Điện lực chở công nhân, kỹ thuật viên đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường điện; cũng có người đổi nghề đánh cá trên sông… Hướng ánh mắt về phía cầu Tạ Khoa, ông Thương trầm ngâm: Trước đây, trên khúc sông này có hai ghềnh lớn, ghềnh đầu tiên nằm ở xã Chim Vàn, ghềnh còn lại ở ngay trước mắt. Bây giờ là vùng lòng hồ, không nhìn thấy ghềnh nữa. Lần cuối cùng tôi lái phà cũng cách đây hơn 15 năm rồi. Ngày trước, vào mùa nước cạn, còn tăng-bo xe máy cùng các phương tiện khác lên xe ben sang sông, chứ khi nước lên, chỉ sang sông được bằng phà, lúc nước chảy xiết thì đến phà cũng không thể sang sông. Có thời điểm, mất hàng tuần đợi nước xuống, phà mới hoạt động trở lại.
Trong ký ức người lái phà già Mùi Văn Thương vẫn chưa quên chuyện cứu phà mùa lũ năm 1989. Sau những trận mưa lớn dài ngày, nước sông Đà cuồn cuộn cuốn phăng mọi thứ trên dòng chảy. Chiếc phà ông lái cũng không ngoại lệ, bị dòng nước dữ giật đứt dây neo, cuốn về phía ghềnh cách Bến phà khoảng 800m. Cả đêm hôm đó, người dân các xã Song Pe, Mường Khoa và Tạ Khoa cùng những người lái phà gồng mình dưới dòng nước dữ để cứu phà. Câu chuyện khắc sâu thêm tình đoàn kết, sống chết có nhau của người dân vùng ven sông và những người lái phà.
Một ngày ở Chim Vàn
Kết thúc câu chuyện với người lái phà Mùi Văn Thương cũng là lúc chiếc thuyền khởi hành chở chúng tôi đến xã Chim Vàn. Để đảm bảo an toàn trên đường thủy, anh lái thuyền Hoàng Văn Biên đề nghị tất cả các hành khách trên thuyền mặc áo phao trước khi thuyền rời bến. Ngồi trên thuyền giữa lòng hồ mênh mang sóng nước, chúng tôi có dịp quan sát hai bên bờ, trên những sườn đồi, những người dân đang làm cỏ cho nương sắn và vườn cây ăn quả. Được biết, theo chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, ngoài một phần diện tích nương ở hai bên bờ sông vẫn còn trồng sắn, huyện Bắc Yên đã vận động bà con trồng nhãn, xoài Đài Loan với hai mục tiêu: Nâng cao giá trị nông sản trên đất nương và giữ đất, chống sạt lở bờ...
Người dân bản Vàn, xã Chim Vàn (Bắc Yên) trao đổi cách chăm sóc cây ăn quả trên nương.
Điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi chọn là xã Chim Vàn. Ở Chim Vàn, những cái tên bản “Chim Thượng” và bản “Chim Hạ”, đã gợi cho chúng tôi sự tò mò về vùng đất này. Theo lời kể của người dân địa phương, Chim Vàn là ghép từ tên của suối Chim và suối Vàn, khởi thủy từ các xã vùng cao Làng Chếu, Xím Vàng, chảy qua địa phận xã trước khi đổ ra sông Đà. Dọc hai bờ những con suối là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa, được người dân khai hoang từ nhiều đời. Nước của hai con suối này ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân 10 bản trong xã.
Là xã ven sông, diện tích đất bằng phẳng ở Chim Vàn khá ít, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất nương. Ngoài hơn 200 ha đất nương đã chuyển sang trồng cây ăn quả, xã còn trên 700 ha trồng sắn và dong riềng. Theo chân ông Mùi Văn Tý, bản Vàn lên nương, thoạt nhìn có thể thấy trước đó, đây là mảnh vườn tạp chỉ trồng ngô, sắn và một số loại cây khác. Bây giờ, mảnh nương chừng 1 ha đã được trồng mấy trăm cây nhãn, năm nay cho quả; còn ở phía chân đồi, gia đình ông trồng một ít sắn. Cầm trên tay một đoạn sắn giống, ông Tý bảo, sắn trồng dễ lắm, chỉ đào rãnh rồi vùi giống xuống, mấy tháng sau đã được thu sản phẩm, 3 năm nay, ông bỏ trồng ngô chuyển sang trồng sắn, được gần 10 tấn sắn củ, cũng thu được khoảng 35 - 40 triệu đồng.
Đêm đó, chúng tôi ngủ lại trụ sở UBND xã, Chủ tịch UBND xã Chim Vàn Đinh Văn Nơi đãi khách các món ăn chế biến từ thịt dê, măng ớt và rượu ngô. Những chén rượu nồng càng làm cho câu chuyện giữa chủ và khách thêm rôm rả. Đó là chuyện về sự chịu thương, chịu khó của người dân nơi này nỗ lực đuổi cái đói, cái nghèo. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất vẫn là việc người dân các bản thay đổi tập quán sản xuất. Cuộc sống của bà con đã có những bước chuyển đáng kể, thu nhập bình quân ở mức trên 10 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống của người dân Chim Vàn đang khởi sắc.
Đường về Pắc Ngà
Rời Chim Vàn, chúng tôi tới Pắc Ngà (điểm đầu của sông Đà chảy qua Bắc Yên) vẫn trên chiếc thuyền chở khách. Muốn đến Pắc Ngà, từ trung tâm huyện Bắc Yên, thường người ta lựa chọn đi thuyền từ bến thuyền Song Pe rồi ngược sông; còn từ quốc lộ 6, có thể đi đường bộ từ huyện Mai Sơn đến cảng Tà Hộc, rồi lên thuyền đi Pắc Ngà. Hơn 1 giờ ngược dòng, chúng tôi đặt chân lên bến thuyền Pắc Ngà. Tiếng cười, tiếng nói của người dân đang bắt cá ở khe nước nhỏ ngay đầu xã vang vọng một góc bản. Rời thuyền, dọc con đường rải đá cấp phối từ bến sông vào trụ sở UBND xã, là những thửa ruộng bậc thang lúa đang xanh mướt, xa xa phía các triền đồi là màu xanh của những vườn cây ăn quả.
Người dân bản Lừm Hạ, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) làm đường giao thông trục bản.
Rót chén nước chè mời khách, ông Lò Văn Hảo, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, chia sẻ: Ở đây, ngoài ruộng bậc thang trồng lúa, cây ăn quả trồng trên các sườn đồi, người dân còn khai hoang đất bán ngập ven sông để làm ruộng một vụ. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Pắc Ngà ít lắm, chủ yếu là đất nương được bà con cải tạo thành ruộng bậc thang, bởi vậy, một số bản ven sông đã tận dụng thời gian nước xuống trong khoảng 3-4 tháng để làm ruộng trồng lúa và một số loại nông sản khác.
Để chúng tôi tận mắt thấy những khu ruộng bán ngập, anh Đinh Công Tiền, cán bộ địa chính xã tình nguyện làm “hoa tiêu” dẫn đường đến bản Tà Ỉu. Cách trung tâm xã 8 km, nhưng con đường thật khó đi, dốc cao, đá hộc lổn nhổn, nhiều đoạn mọi người phải hò nhau đẩy xe. Đứng trên đỉnh dốc bản Lừm Thượng C, phóng tầm mắt tới những thửa ruộng xanh ngát ngay bên dòng nước trong xanh. Bởi mất bao công sức mới đến được đây, anh em chúng tôi tháo giầy lội ruộng, cùng những người dân khom lưng làm cỏ lúa để cảm nhận về sản xuất trên thửa ruộng bán ngập. Phía trong những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của bản, tiếng trẻ nô đùa vọng ra không ngớt.
Nói về việc bà con trong bản khai hoang ruộng bán ngập, ông Hà Văn Tỉnh, Bí thư Chi bộ bản Tà Ỉu cho biết: Vào mùa nước cạn, bà con tận dụng khoảng 3,5 ha đất bãi bồi ven bờ làm ruộng trồng lúa. Đất bãi bồi nên lúa phát triển tốt lắm. Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục sản xuất trên ruộng bán ngập những năm tiếp theo. Chúng tôi hiểu, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đang đồng thuận, nỗ lực vượt khó để có cuộc sống no ấm hơn.
Một chuyến hành trình ngắn trên vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình trên địa phận huyện Bắc Yên, nhưng đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm nhận sâu sắc về tình đất, tình người nơi đây, về sự nỗ lực vượt khó vươn lên của những người dân ven sông chân chất, chịu thương, chịu khó. Họ đang hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước trên mảnh đất quê hương để có tương lai tươi sáng. Và chúng tôi tin, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!