Cuộc sống đôi bờ Đà giang: Kỳ I: Về miền non nước

Bắc Yên là địa bàn có địa hình bị phân hóa và chia cắt khá phức tạp thành ba khu vực: Xã vùng cao, xã ven sông và vùng giữa. Được các đồng nghiệp kể nhiều về cuộc sống ở các xã ven lòng hồ sông Đà của Bắc Yên với nhiều gam màu sắc, khiến tôi mong muốn được đến tận nơi để tìm hiểu về dòng sông Đà từng đi vào tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân, cũng như hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng sông nước này.

 

Một góc bản Nà Dón, xã Chiềng Sại (Bắc Yên).

Huyền thoại dòng sông dữ

Trước khi “mang” trên mình ba công trình thủy điện lớn của đất nước, sông Đà được biết đến với dòng chảy xiết, thủy lưu phức tạp, đáy sông có nhiều tầng địa chất, lòng sông nhỏ hẹp, tạo nên nhiều thác ghềnh; mực nước lên, xuống thất thường, một phần nguyên nhân được cho là đầu ra của rất nhiều con suối lớn, nhỏ. Có lẽ vì vậy, trong bút ký “Người lái đò sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã ví Đà giang là “con ngựa bất kham”, ông tả: “... nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào khủng bố tinh thần con người, sẵn sàng nhấn chìm bất kỳ con thuyền nào không kịp chèo nhanh hay tay lái không vững...”.

Nghề đánh cá trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình của người dân bản Chanh, xã Song Pe (Bắc Yên).

Và chính sự thất thường của dòng thủy lưu sông Đà khi đổ vào sông Hồng đã làm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên có những đợt lũ lớn làm ngập phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng. Qua hàng trăm năm, ông cha ta gần như bó tay trong việc trị thủy, cách duy nhất giúp cho đồng bằng sông Hồng không bị ngập trong nước lũ đó là đắp đê dọc hai bờ sông. Từ khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình biểu tượng của tình hữu nghị Liên Xô - Việt Nam hoàn thành vào năm 1988; công trình thủy điện Sơn La hoàn thành năm 2010 và gần đây nhất là công trình thủy điện Lai Châu, không những mang dòng điện cho Tổ quốc, mà còn góp phần điều hòa nước khu vực đồng bằng Bắc Bộ.  

Trên địa phận huyện Bắc Yên, sông Đà chảy qua các xã: Pắc Ngà, Chim Vàn, Mường Khoa, Tạ Khoa, Song Pe, Chiềng Sại và Hồng Ngài. Nước sông Đà khi hiền hòa, lúc chảy xiết dữ dội, nhưng bao đời nay đã vô cùng gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây. 

Lung Tang - Bản em lưng chừng núi

Nếu cứ xuôi thuyền từ cầu Tạ Khoa xuống thì cuộc sống của các bản đồng bào dân tộc Mường và câu chuyện của người dân vùng “di vén” cũng na ná như nhau. Trong hành trình này, chúng tôi lại chọn đến bản Lung Tang (xã Hồng Ngài) - một bản không thuộc diện di vén, nhưng lại gắn bó mật thiết với dòng sông này. Khởi hành lúc 3 giờ chiều, xuất phát từ bến thuyền bản Pe, ngay dưới chân cầu Tạ Khoa thuộc xã Song Pe, ngồi trên thuyền, phóng tầm mắt ra hai bờ lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chúng tôi thấy nước lòng hồ rút xuống khá sâu. Mùa này nước sông đỏ quạch, đục ngầu, những con sóng đánh vào mạn thuyền ì oạp, làm mũi thuyền cứ chồm lên, chúi xuống, hệt đi xe máy trên đường sống trâu. Mùa nước cạn mà sao dòng nước lại có những đợt sóng mạnh đến vậy? Hỏi những người cùng đi, tôi được giải thích: Cách đây mấy hôm, trên địa bàn huyện Bắc Yên và một số nơi khác có mưa lớn nên thủy điện Hòa Bình phải xả lũ, làm nước sông cạn, cùng với hôm nay có nhiều đợt gió mạnh, tạo nên những đợt sóng cả dưới lòng sông và mặt nước.

Đi trên thuyền khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến bến thuyền bản Lung Tang. Từ bờ sông lên đến đỉnh núi, nơi sinh sống của người dân Lung Tang vô cùng khó đi. Do biết trước điều này, nên chúng tôi đã hẹn với ông Lầu A Mang, Bí thư Chi bộ bản Lung Tang, nên ông đã cùng một số thanh niên trong bản chờ sẵn ở bờ sông. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Mang thân mật mời chúng tôi về bản: Lâu rồi bản mới có khách đến thăm đấy! Bà con rất mong được nói chuyện, chia sẻ tâm tư, để phóng viên chuyển nguyện vọng của người dân đến các cấp chính quyền, hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của dân bản trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Mất khoảng 30-45 phút đi xe máy, vượt qua những con dốc cao, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Lung Tang. Nhìn qua đã có thể thấy đây là một bản đặc biệt khó khăn của xã Hồng Ngài. Ngoài điểm trường mầm non được xây dựng kiên cố, còn lại hầu hết những ngôi nhà trong bản đều được dựng bằng gỗ. Lung Tang cách trung tâm xã Hồng Ngài gần 20 km đường đèo, núi, muốn ra trung tâm xã cũng mất đến nửa buổi hoặc sẽ phải đi theo đường nương xuống bờ sông bắt thuyền vào mùa nước lên. Còn mùa nước cạn, phải đi đường nương xuống bến thuyền bản Mong, xã Song Pe mới có thể bắt thuyền. Có lẽ đây là lý do người dân Lung Tang thường ít  xuống núi, một tuần chỉ xuống 1 hoặc 2 lần nếu có công việc hoặc chở nông sản đi bán.

Cán bộ xã Hồng Ngài hướng dẫn người dân Lung Tang cách chăm sóc cây ăn quả.

Mấy năm gần đây, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh được triển khai rộng rãi, người dân bản Lung Tang cũng chuyển đổi một phần nương ngô, sắn sang trồng cây ăn quả. Ông Lầu A Mang bảo: Cách đây 5 năm, nhân dân trong bản đã trồng 2 ha cây nhãn, xoài... Đáng lẽ đã cho thu hoạch, nhưng hầu hết lại không cho quả, đầu mùa cây rất sai hoa, nhưng cứ rụng dần. Đây cũng là một trong những lý do cái nghèo vẫn đeo bám người dân bản Mông này nhiều năm nay, hiện, bản có 120/165 hộ nghèo. Đến một khu vườn đồi, chúng tôi thấy có nhiều loại cây khác nhau: Ngô, sắn, xoài, nhãn và mận cùng trồng xen, quả là người dân chưa có kỹ thuật thâm canh, nên cây trồng chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Dường như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, ông Mang nói thêm: Chi bộ và Ban quản lý bản đã đề nghị xã cử cán bộ khuyến nông về bản, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, cách trồng cây theo hướng chuyên canh nhưng chưa được nhiều. Mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để người dân phát triển sản xuất, làm cho cây ăn quả trở thành cây xóa đói, giảm nghèo trên đỉnh Lung Tang.

“Trồng người” trên vùng đất ven sông

Rời Lung Tang khi chiều muộn ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến xã Chiềng Sại - điểm cuối sông Đà chảy qua Bắc Yên. Vừa đặt chân xuống bến thuyền, rất đông các em học sinh chuẩn bị lên thuyền. Hỏi thăm mới biết, ở Chiềng Sại, đa số các bản nằm dọc sông, nên các em phải thức dậy từ sớm để đi thuyền đến trường, khi tan học thì hành trình ngược lại. Cách bến thuyền không xa là Trường Tiểu học Chiềng Sại. Chập tối, bất chợt chúng tôi nghe có tiếng trống trường, vào trường mới biết, đó là hiệu lệnh báo hiệu giờ ăn tối của 82 em học sinh nhà xa ở bán trú tại trường. Ngôi trường bên bờ sông được xây dựng kiên cố, song khu nhà ăn của trường trông còn khá đơn sơ, được các thầy, cô giáo dựng lên với chỉ vài mảnh tôn ghép lại thành bức tường bao quanh và lợp mái, diện tích chừng 70 m², khá chật hẹp so với số lượng học sinh ở bán trú tại trường. Các em xếp thành hàng dọc thứ tự nhận khẩu phần ăn từ các thầy cô. Sống xa gia đình nên ý thức tự lập trong sinh hoạt của các em khá tốt, sau khi ăn xong, các em tự giác mang khay đựng thức ăn đi rửa sạch sẽ rồi trở về phòng chuẩn bị sách vở cho giờ ôn bài buổi tối. Theo lời các thầy, cô giáo, hiện đang là thời điểm thi học kỳ, nên giờ tự ôn bài của các em sẽ muộn hơn mọi ngày đôi chút.

Một giờ học tại Trường Tiểu học Chiềng Sại (Bắc Yên).

Đúng 7 giờ 15 phút, trong khuôn viên nhà trường đã vang lên tiếng giảng bài, đọc bài của thầy và trò. Thầy giáo Nguyễn Đình Hàn, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Dạy học ở vùng này còn nhiều khó khăn lắm. Cái khó nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa thầy với trò. Nhiều em học sinh người Mông ngại phát âm tiếng phổ thông nên hầu hết các thầy, cô ở đây phải tự học thêm tiếng Mông để giảng bài, hướng dẫn học sinh. Bù lại, nhưng tình cảm thầy, trò luôn gắn bó, các em học sinh cũng rất ngoan và ham học.

Ngoài điểm trường trung tâm, Trường Tiểu học Chiềng Sại còn có 8 điểm trường khác ở các bản (1 bản vùng cao, 4 bản ven sông). Vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều phân công giáo viên tới các điểm trường. Gắn bó với Chiềng Sại tròn 18 năm, chủ yếu là dạy học trên các bản vùng cao, thầy giáo Đinh Văn Thái bảo, kỷ niệm thầy nhớ mãi là thời gian dạy học ở điểm trường bản Nậm Lim. Mỗi khi trời mưa, ngôi nhà tranh, vách nứa của điểm trường đều bị dột, giáo án, sách, vở của thầy và trò ướt hết, nền nhà trở thành bãi bùn. Bà con trong bản thương lắm, mang cho cây rau, con cá, cân gạo, hệt người trong nhà, nhắn nhủ thầy giáo giữ gìn sức khỏe, bám trường, bám lớp để con trẻ còn biết chữ.

Chia tay Trường Tiểu học Chiềng Sại, nhiệt huyết của các thầy cô giáo và sự ham học của các em học sinh nơi đây đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Có lẽ cả thầy và trò nhà trường đều mong muốn, từ việc học chữ này, tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn.

       (Còn tiếp)

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới