Những năm gần đây, xã Hang Chú (Bắc Yên) tuyên truyền, khuyến khích bà con trồng thảo quả dưới tán rừng, mở hướng phát triển kinh tế từ nghề rừng, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Nhân dân bản Pa Cư Sáng A, xã Hang Chú thu hoạch thảo quả.
Ông Giàng A Chu, người đầu tiên trồng cây thảo quả trong bản, trao đổi với chúng tôi, ông Chu cho biết: Năm 2006, tôi lấy giống thảo quả từ huyện Văn Bàn (Lào Cai) về trồng thử nghiệm 1 ha dưới tán rừng. Những năm sau đó, tôi tiếp tục lấy giống về ươm, chia cho một số hộ trong bản cùng trồng. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây thảo quả, tôi gặp khó khăn về kỹ thuật, sau đó được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn. Đến nay, gia đình tôi có 4 ha thảo quả đã cho thu hoạch và 5.000 m² trồng mới. Năm 2017, thu hơn 2 tấn quả tươi, bán cho thương lái ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) với giá 60.000 đồng/kg, thu trên 120 triệu đồng.
Bản Pa Cư Sáng A là bản trồng nhiều thảo quả nhất xã, với trên 50 ha thảo quả trồng dưới tán rừng. Quan sát thấy, càng sâu vào trong rừng, ở những khu đất ẩm, lạnh, dưới tán rừng, thảo quả quả to và sai hơn. Những cây đã cho thu hoạch cao gần 2m, tán rộng. Dưới gốc, thảo quả mọc thành chùm, đỏ mọng. Thảo quả là loại cây dễ trồng, sinh trưởng ở độ ẩm cao, sau 5 năm trồng sẽ cho thu hoạch. Việc chăm sóc khá đơn giản, ít chi phí, mỗi năm chỉ cần phát cỏ xung quanh gốc 2 lần, thời gian thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11. Ngoài tăng thêm thu nhập, trồng thảo quả còn góp phần chống cháy rừng trong mùa khô, bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, sử dụng đất lâm nghiệp bền vững.
Ông Giàng A Dơ, Trưởng bản Pa Cư Sáng A, cho hay: Toàn bản được giao quản lý bảo vệ trên 1.000 ha rừng. Thay vì lớp thực bì để không dưới tán rừng trước kia, mùa khô mỗi năm phải phát dọn đề phòng cháy rừng thì những năm gần đây bà con trồng thảo quả. Bảo vệ thảo quả cũng chính là bảo vệ diện tích rừng ở đó, nên bà con đã yêu rừng hơn, tự giác bảo vệ rừng hơn. Bản duy trì tổ bảo vệ và PCCCR với 10 người, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con thực hiện tốt việc bảo vệ rừng cũng như bảo vệ diện tích thảo quả, không để xảy ra cháy rừng.
Toàn xã Hang Chú hiện có trên 6.300 ha rừng tự nhiên. Để người dân gắn bó với rừng, có thu nhập từ rừng, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thảo quả dưới tán rừng, gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Ở những nơi trồng thảo quả, xã tuyên truyền nhân dân không phát lấn, chặt phá rừng, đồng thời trồng rừng, tăng độ che phủ, tạo bóng mát cho thảo quả phát triển. Toàn xã hiện có 129 ha thảo quả, trong đó, 34 ha đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập cho người dân. Ông Phàng A Giảng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2017, tổng sản lượng đạt 18 tấn quả tươi; dự báo sản lượng thảo quả năm nay ước đạt 35 tấn quả tươi. Tuy nhiên, gần đến thời điểm bà con bắt đầu thu hoạch, thảo quả chưa có đầu ra ổn định, người dân muốn tiêu thụ đều tự liên hệ với các thương lái từ tỉnh Yên Bái và Lào Cai đến thu mua, giá cả thất thường. Hiện, giá thương lái mua tại vườn chỉ 22.000 đồng/kg quả tươi.
Trồng thảo quả dưới tán rừng là hướng mở để phát triển kinh tế từ nghề rừng, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo vệ rừng. Để cây thảo quả phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Đồng thời, có kế hoạch trồng, phát triển cây thảo quả, tránh tình trạng người dân trồng tự phát theo phong trào, dẫn đến được mùa mất giá.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!