Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố, huyện Bắc Yên đã thực hiện rà soát, xây dựng phương án sáp nhập 81 bản, tiểu khu trên địa bàn.
Các cử tri xã Phiêng Ban (Bắc Yên) thống nhất ý kiến về sáp nhập bản, tiểu khu.
Trong dịp về Phiêng Ban, chúng tôi được tham dự cuộc họp bàn, thống nhất ý kiến của cử tri về việc sáp nhập bản Cang và bản Hý, thành lập bản mới lấy tên Cang Hợp, với quy mô gần 160 hộ, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% và bố trí số lượng, chức danh cho những người hoạt động không chuyên trách. Các cử tri đều nhất trí với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Mùi Văn Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Thực hiện chủ trương, xã đã rà soát số hộ, vị trí địa lý, phong tục tập quán, dân tộc. Thành lập đoàn công tác xuống bản tuyên truyền mục đích của việc sáp nhập; đối thoại, lấy ý kiến của nhân dân, từ việc lấy tên bản mới, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, cần xây dựng nhà văn hóa rộng 200 m² để hai bản sinh hoạt cộng đồng, mong các cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn khu dân cư mới.
Huyện Bắc Yên hiện có 152 bản, tiểu khu, trong đó có 113 bản đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, các bản cách xa nhau; giao thông đi lại giữa các bản còn nhiều khó khăn; quy mô dân số ít, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán, trình độ canh tác khác nhau. Qua rà soát, đối chiếu với Thông tư số 09/2017/TT của Bộ Nội vụ thì 145 bản, tiểu khu chưa đạt quy mô số hộ gia đình. Thực hiện chủ trương sắp xếp, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phổ biến mục đích của sáp nhập bản. Đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu đảm bảo theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức họp bàn, thống nhất, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã thực hiện 2 đợt sáp nhập, đến nay đã giảm 29 bản, tiểu khu. Theo lộ trình, năm nay sẽ tiếp tục sáp nhập 25 bản thành 11 bản; tổng số bản, tiểu khu còn lại là 109; giảm 215 chi hội các tổ chức đoàn thể và trên 400 người hoạt động không chuyên trách, hưởng mức hỗ trợ; tiết kiệm 4 tỷ đồng/năm kinh phí chi trả phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị xã hội ở bản, tiểu khu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện sáp nhập bản, tiểu khu trên địa bàn huyện Bắc Yên cũng gặp một số khó khăn, nhất là việc quản lý, điều hành, tổ chức họp bản; cơ sở vật chất hiện tại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt sau khi sáp nhập. Do đó, huyện đã kiến nghị giữ nguyên một số bản có điều kiện đặc thù về địa lý, kinh tế, dân tộc. Về thủ tục hành chính, các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân cấp đổi, cấp mới sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, quan tâm, đầu tư các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư đảm bảo theo quy mô dân cư mới.
Chủ trương sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Để việc sáp nhập đạt hiệu quả, huyện Bắc Yên đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch và đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!