Bắc Yên - Mùa lên nương

Ở huyện vùng cao Bắc Yên, hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp đều là đất nương dốc. Trải qua nhiều năm canh tác nên đa phần đất đai đã bạc màu, vụ gieo trồng cây trên nương đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nông dân.

Cán bộ khuyến nông xã Song Pe (Bắc Yên) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả trồng trên nương.

Mùa lên nương bắt đầu từ giữa tháng 3 cho đến hết tháng 4 hàng năm, bởi khác với những địa phương khác, thời điểm này ở vùng cao Bắc Yên tiết trời vẫn còn rét nhẹ và tương đối hanh khô. Trong khi đó, diện tích nương rẫy lớn lại nằm sát với diện tích rừng, chỉ cần một sơ suất nhỏ của người dân khi đốt nương cũng rất dễ làm cháy rừng. Để bảo vệ diện tích rừng, ngay từ đầu năm, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa lên nương. Trao đổi vấn đề này với ông Hà Văn Lỏn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, được biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã tăng cường tuyên truyền tới bà con thực hiện các biện pháp cản lửa trước khi đốt nương. Đối với các xã ven sông như Chim Vàn, Mường Khoa, Tạ Khoa... khi làm nương, bà con tuyệt đối không được phun thuốc diệt cỏ làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Theo kế hoạch, năm nay toàn huyện sẽ gieo trồng trên 3.000 ha cây trên nương, trong đó chủ yếu là sắn và ngô, dong riềng... Đến thời điểm này, bà con đã chuẩn bị các loại giống và đang khẩn trương làm đất để gieo trồng đúng khung thời vụ.

Vào mùa lên nương, các buổi sáng trên các sườn đồi, sương mù dày đặc, cùng những cơn mưa trong đêm nên đất có độ ẩm vừa đủ để công việc làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất mới thuận lợi hơn. Đây cũng là thời điểm các loại sâu, bệnh hại cây trồng đang ủ trong đất, do đó, để đảm bảo vụ sản xuất đạt kết quả tốt, làm đất là một trong những khâu quan trọng nhất trước khi gieo trồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân các xã thường cuốc, bừa đất sâu và sử dụng một số loại phân bón hoặc phân chuồng để bón lót trước khi gieo trồng. Cùng với đó, tạo đường đồng mức từ chân đồi lên đỉnh đồi, khoảng cách giữa hai đường đồng mức tùy thuộc độ dốc của nương, chiều rộng ước khoảng 40-50 cm.

Tại các xã vùng cao Tà Xùa hoặc Hang Chú, biên độ nhiệt có sự dao động khá lớn giữa ngày và đêm, có đợt chênh lệch đến cả chục độ. Do đó, trên diện tích nương đồi, người dân thường lựa chọn một số loại cây trồng khác như chè, hoặc sơn tra thay vì trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn. Ngược dòng sông Đà, trên chiếc thuyền chở khách xuất phát từ bến thuyền Song Pe (nơi trước đây là bến phà Tạ Khoa), chúng tôi đến với xã Chim Vàn - một trong những xã có diện tích nương tương đối lớn của huyện vùng cao Bắc Yên.

Ngồi trên thuyền, chúng tôi dễ dàng nhận thấy trên những sườn đồi, bà con đang miệt mài làm đất để chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới. Cùng đi trên thuyền, anh Đinh Công Tiền, cán bộ địa chính công tác tại xã Pắc Ngà thông tin: Hiện bà con các xã đã ít trồng ngô hơn trước, bởi giá bán thấp, lại tốn nhiều công chăm sóc. Nếu chỉ trồng ngô, gia đình không đủ ăn, nên bà con chuyển sang trồng nhiều loại cây khác trên đất nương. Hiện bà con chỉ trồng ngô với diện tích nhỏ để làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. Thay vào đó, bà con chuyển sang trồng sắn cao sản và sử dụng một phần diện tích nương để trồng các loại cây ăn quả như nhãn, xoài...

Sáng sớm, trên các nẻo đường của xã Chim Vàn, đâu đâu, chúng tôi cũng thấy người dân chuẩn bị công cụ gồm xẻng, cuốc, liềm, kéo cắt tỉa cành... chằng sau chiếc xe máy. Ngoài ra, bà con còn chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa và giờ  nghỉ giải lao khi làm nương, gồm: Lù cở đựng chai nước, mấy nắm cơm, cá khô và lọ muối ớt. Theo chân bà Mùi Thị Chìu, bản Vàn lên mảnh nương rộng chừng 1 ha, được trồng vài trăm cây nhãn, ở phía chân đồi, là một khoảng đất rộng để trồng cây sắn. Theo bà Chìu, sắn dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, giá bán lại cao hơn, vì vậy gia đình bà đều dành khoảng 3.000 m² đất để trồng sắn thay vì trồng cây ngô như trước đây, sản lượng sắn thu được là 3-5 tấn, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và để bán ra thị trường với giá 3.000-4.000 đồng/kg sắn củ tươi.

Không chỉ ở Chim Vàn mà ở các xã khác trong huyện Bắc Yên người dân cũng đều đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để gieo trồng cây trên nương bảo đảm đúng khung thời vụ. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, cùng với sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chuyên môn trong huyện, bà con sẽ có mùa bội thu từ cây trồng trên nương.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới