Theo dự báo, hiện nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sở Giao thông Vận tải đang tập trung chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý tuyến đường chủ động, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp theo phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
|
Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Xin đồng chí thông tin về hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Văn Chính: Sơn La là tỉnh miền núi ở Tây Bắc, địa hình chủ yếu là đồi núi, hệ thống đường bộ là các tuyến đường độc đạo đi qua khu vực núi cao, vực sâu, địa chất thủy văn phức tạp, thảm thực vật mỏng. Vì vậy, mưa lũ dễ gây ra sụt trượt, sa bồi và ngập úng các đoạn qua khu tập trung dân cư trên diện rộng. Mức độ thiệt hại ngày càng tăng, việc khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài hơn 18.290km; trong đó, có gần 901km quốc lộ, hơn 1.124km đường tỉnh, 1.838km đường huyện và gần 5.316km đường xã, 237km đường đô thị, trên 309km đường chuyên dùng; ngoài ra còn có 8.565 km đường bản, thôn xóm và đường trục chính nội đồng. Về mạng lưới đường thủy có tổng chiều dài 304km gồm hai tuyến sông chính là sông Đà dài 234km và sông Mã dài 70km, có 2 cảng thủy nội địa, 82 bến hàng hóa, hành khách và bến khách ngang sông do UBND các huyện dọc Sông Đà, Sông Mã quản lý.
Phóng viên: Công tác phòng chống, ứng trực, khắc phục hậu quả thiên tai được Sở chỉ đạo triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Chính: Ngay từ đầu năm, Sở đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; giao nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên thực hiện công tác bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, làm cơ sở cho các đơn vị kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị, thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Sở chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ, các nhà thầu quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện hiệu quả công tác ứng trực, khắc phục hậu quả thiên tai. Kiểm tra, rà soát, chủ động kịp thời điều chỉnh phương án PCTT&TKCN của cơ quan, đơn vị đã ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết và hiện trạng nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường được giao quản lý.
Rà soát các vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở ngây ách tắc đường để chủ động bố trí biển cảnh báo sạt lở hai đầu tuyến, phương tiện thiết bị túc trực, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra; bố trí biển báo ghi số điện thoại trực bão lũ của đơn vị, tại 2 đầu các tuyến đường, các vị trí giao cắt với các tuyến đường khác (đường tỉnh, đường huyện, đường xã…), để lái xe và người dân có thể kịp thời phản ánh, thông báo về tình trạng tuyến đường, giúp cho công tác điều hành, chỉ đạo khắc phục được kịp thời, nhanh chóng.
Đối với các đơn vị quản lý cầu, đường bộ, rà soát vật tư dự phòng, sẵn sàng sử dụng ứng cứu, đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố sụt trượt, ách tắc trên các tuyến đường bộ được giao quản lý. Kiểm tra rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, các đoạn tuyến nền đường thấp trũng thường xuyên ngập úng; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm rào chắn kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại khi xảy ra sự cố, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn giao thông. Khi ách tắc xảy ra phải kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Sở, đồng thời tổ chức triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất, trong quá trình triển khai phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị thi công.
Về đường thủy, Sở Giao thông Vận tải thường xuyên phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ phương tiện kiểm tra, sửa chữa tàu, thuyền, kịp thời bổ sung các phương tiện cứu hộ; thông báo, cảnh báo và cấm các phương tiện thủy lưu thông trước, trong và sau khi mưa bão; có phương án và hướng dẫn các chủ phương tiện neo, đậu, trú ẩn để bảo vệ an toàn phương tiện, thiết bị, tài sản và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi được huy động.
Phóng viên: Dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, xin đồng chí thông tin về công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Chính: Với tinh thần không chủ quan, cảnh giác trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chủ động trong công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai với phương châm phòng hơn chống, nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp, gắn kết chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành giữa các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành, đơn vị liên quan và địa phương; phân định rõ trách nhiệm trong phòng chống lũ bão, đảm bảo giao thông của cơ quan quản lý đường: UBND cấp huyện chịu trách nhiệm đối với đường huyện, UBND cấp xã đối với đường xã, ban quản lý bản đối với đường xã trong địa giới thôn, bản.
Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chấp hành công tác đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên tuyến.
Theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết trong những ngày sắp tới để có phương án phòng chống thiên tai phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về các loại hình thiên tai, bão lũ, các biện pháp khắc phục thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Chỉ đạo đơn vị thi công các dự án do UBND huyện, thành phố làm chủ đầu tư tăng cường lực lượng, vật tư dự trữ, phương tiện, máy móc thiết bị hoàn thành khối lượng chủ yếu, xác định điểm dừng kỹ thuật để đảm bảo an toàn công trình và giao thông trong mùa mưa bão.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, ngập úng cục bộ gây ra ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục giao các phòng, ban chuyên môn tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường hay xảy ra ngập úng, sạt lở thuộc cấp huyện quản lý (thuộc phạm vi quản lý); rà soát các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn mất an toàn giao thông tổ chức bố trí rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức sửa chữa, khắc phục và xây dựng kế hoạch bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng để chủ động ứng cứu khi có ách tắc xảy ra.
Khi xảy ra thiệt hại do mưa lũ, có tai nạn nghiêm trọng, báo cáo ngay bằng điện thoại, tin nhắn kèm theo ảnh các vị trí tắc đường; tổng hợp báo cáo nhanh kèm theo ảnh các vị trí thiệt hại.
Nơi nhận báo cáo: Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở Giao thông Vận tải. Điện thoại: 0212.3855.846 và 0977.131.567; hộp thư điện tử: Qlkchtgtsl@gmail.com.
Hiện nay, các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đã và đang được ngành Giao thông Vận tải tích cực triển khai, song, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không chủ quan, buông lỏng quản lý, sẵn sàng ứng phó, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống một cách hiệu quả nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!