Phòng, chống, ngăn chặn nạn mua bán người

Thuận Châu là một trong những huyện có nhiều nguy cơ về tình trạng mua bán người, do địa bàn rộng, dân cư đa dạng và kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Trong những năm gần đây, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng, chống nạn mua bán người.

Giọng nữ
Cán bộ Công an huyện Thuận Châu tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Thôm Mòn.      Ảnh: Duy Long (CTV)

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc giao lưu, kết nối xã hội ngày càng dễ dàng, thuận lợi. Lợi dụng những tiện ích này, các đối tượng tội phạm đã tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, cung cấp nhân viên cho các cơ sở giải trí, sinh con hộ... để thực hiện hành vi mua bán người. Ngăn chặn tình trạng đó, Công an huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về các thủ đoạn, phương thức hoạt động của các đối tượng tội phạm, giúp nhân dân cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh tố giác tội phạm.

Các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác, như: Tuyên truyền qua loa truyền thanh của các xã, thị trấn; qua các buổi sinh hoạt khu dân cư, thôn, bản, tiểu khu, tại các địa bàn giáp ranh; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người với các phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã căng treo trên 30 băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, các đầu mối giao thông; xây dựng trên 40 tin bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tổ chức 9 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động tại các điểm tập trung đông dân cư, cụm xã; tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền thu hút hàng nghìn lượt người tham gia; cung cấp tài liệu có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho 29 xã, thị trấn; đội chiếu bóng lưu động tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người bằng tiếng dân tộc tại cơ sở, với trên 6.000 lượt người xem.

Cùng với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống mua bán người, Công an huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn trong thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế tội phạm mua bán người. Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm, Phó trưởng Công an huyện, thông tin: Đơn vị đã chủ động nắm chắc tình hình và thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; quản lý số đối tượng có biểu hiện nghi vấn, số đối tượng có tiền án, tiền sự về tội mua bán người, để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, chú trọng những khu vực giáp ranh. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp mua bán người nào xảy ra.

Co Mạ là trung tâm 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, xã có 17 bản với gần 7.700 nhân khẩu. Do địa hình phức tạp, giao thông chưa thuận tiện, nên các loại tội phạm thường lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Ông Thào A Súa, quyền Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước những nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là nguy cơ xảy ra hoạt động mua bán người, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học, các bản, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân về tội phạm mua bán người, cũng như cách thức tự bảo vệ mình và gia đình.

Công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ lâu dài và đầy thách thức, huyện Thuận Châu tiếp tục mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, bảo đảm mọi người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đều được tiếp cận thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho nhân dân.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới