Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội và dùng số điện thoại lạ gọi điện giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, quản lý thị trường đe dọa bắt giam, khởi tố hoặc giả danh các công ty, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử thông báo trúng thưởng vẫn đang hằng ngày diễn ra, nhiều nạn nhân trên địa bàn Thành phố đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Người dân Thành phố đến trình báo tại cơ quan điều tra về các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cuối năm 2022, chị V.T.A.T, trú tại tổ 5, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La có nhu cầu mua vali, đã lên mạng tìm kiếm và bị lừa mất gần 85 triệu đồng. Chị V.T.A.T kể lại: Khi tìm kiếm trên mạng, tôi được tài khoản Facebook “Leo Việt Hoàng” và tài khoản Zalo tên “Mập” mời kết bạn bán vali. Để mua chiếc vali, cần phải chuyển khoản một số tiền trước mới chuyển hàng. Do tôi rất thích chiếc vali đó, nên đã chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng là chủ tài khoản Facebook và Zalo liên tục đưa ra các lý do chuyển hàng bị lỗi, giao dịch bị lỗi, chuyển tiền để lấy hóa đơn hoặc chuyển thêm tiền cho đủ hạn mức rút tiền... Từ ngày 3/11/2022 đến ngày 7/12/2022 tôi đã chuyển tổng số tiền gần 85 triệu đồng, nhưng vẫn không nhận được hàng. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, sau đó, tôi đã trình bào cơ quan Công an.

Còn chị L.T.H, phường Tô Hiệu, Thành phố cũng bị lừa đảo, chiếm đoạt 800.000 đồng qua tài khoản mạng xã hội facebook. Chị H chia sẻ: Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền từ tài khoản facebook trùng hợp tên tài khoản ngân hàng của người quen, nên tôi mất cảnh giác và chuyển khoản cho vay tiền. Đến trưa cùng ngày, tôi mới biết tài khoản facebook của người thân đã bị một đối tượng khác chiếm đoạt và nhắn tin vay tiền nhiều người. Mặc dù số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt không quá lớn, nhưng đây là bài học, tôi đã nhắc nhở người thân đề cao cảnh giác, không chuyển tiền cho vay khi được người thân, bạn bè dùng ứng dụng mạng xã hội hỏi vay.

Ngoài việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, trên địa bàn Thành phố vừa xuất hiện hiện tượng lợi dụng lừa đảo qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị V.T.L, là hộ kinh doanh gạo và đồ ăn trên đường Trần Đăng Ninh, phường Quyết Thắng, kể lại: Đầu tháng 11 vừa qua, có một người phụ nữ khoảng 30-40 tuổi, đeo kính và bịt khẩu trang kín mặt vào cửa hàng mua 20 kg gạo, trị giá 440 nghìn đồng. Khách hàng nói không mang tiền mặt và đề nghị chuyển khoản thanh toán bằng hình thức quét mã QR. Trong thời gian ngắn giao dịch, đối tượng báo đã chuyển khoản. Sau đó, đưa ảnh chụp biên lai chuyển khoản thành công qua ngân hàng, rồi vội vã rời đi. Sau đó, tôi kiểm tra tài khoản thì không thấy có số tiền giao dịch nào chuyển đến. Đây là một bài học cảnh giác mọi người bán hàng cần phải chú ý kiểm tra khi giao dịch qua mã QR, khi nhận tiền thành công mới để khách hàng mang hàng đi. 

Từ năm 2019 đến nay, Công an Thành phố tiếp nhận, giải quyết 7 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đây chỉ là số ít trong nhiều trường hợp không đến cơ quan công an trình báo vì số tiền không quá lớn. Các hình thức lừa đảo mua, bán trao đổi hàng hóa bằng hình thức chuyển khoản, lừa đảo vay tiền qua mạng xã hội, đánh bạc trực tuyến và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại tài sản cho nhân dân.

Điển hình, đầu năm 2023, Công an Thành phố xác lập chuyên án “323L” đấu tranh làm rõ vụ việc có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua tài khoản facebook “Vũ Dương”. Qua xác minh, làm rõ, tài khoản facebook “Vũ Dương” bị Đặng Hữu Kiên, trú tại tiểu khu Ngã Ba, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn chiếm đoạt nhắn tin vay tiền, rồi chiếm đoạt hơn 21 triệu đồng của 6 người trên đại bàn Thành phố và huyện Mai Sơn.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Thành phố tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho nhân dân.

Trung tá Lê Minh Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Thành phố, cho biết: Hiện nay, là thời điểm cuối năm, các loại đối tượng lừa đảo đều gia tăng, Công an Thành phố đã tăng cường phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng hiện nay.

Đồng thời, khuyến cáo nhân dân cảnh giác trước các số điện thoại lạ có đầu số từ nước ngoài, các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước. Đặc biệt, không chia sẻ thông tin cá nhân quan trọng trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Không đăng nhập tài khoản mạng xã hội vào các trang web không chính thống, không truy cập vào các đường link lạ hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

Công an Thành phố tiếp tục chủ động rà soát, nắm tình hình, làm tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng. Phối hợp điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án đã được phát hiện, nhằm răn đe, giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân. Xây dựng cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông, ngân hàng trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm trên không gian mạng.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, nhân dân trực tiếp đến cơ quan Công an trình báo sự việc hoặc gọi số điện thoại trực ban của Công an Thành phố: 02123. 852. 541 để xác minh các vấn đề và được tư vấn, phối hợp giải quyết, tránh việc tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bài, ảnh: Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới