Với mục tiêu giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra, thời gian qua, các lực lượng chức năng và các cấp các ngành, địa phương đã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Có mặt tại chương trình tình nguyện tại Trường tiểu học và THCS Tân Xuân, huyện Vân Hồ, cùng với việc hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… cho các em học sinh nhà trường, các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh còn lồng ghép chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cho học sinh và các giáo viên nhà trường. Nội dung tuyên truyền rất thiết thực, tập trung khái quát tình hình cháy nổ; nguyên nhân của các vụ cháy nổ; quy định của pháp luật về công tác PCCC, trách nhiệm của gia đình, người dân trong công tác PCCC; hướng dẫn một số biện pháp phòng cháy trong trường học, gia đình và khu dân cư, nơi tập trung đông người; kỹ năng thoát nạn khi cháy xảy ra...
Hào hứng tham gia thực hành dùng bình bột chữa cháy, cách tắt ga khi bình ga cháy, em Thào Thị Tồng, học sinh lớp 8B, Trường TH và THCS Tân Xuân, chia sẻ: Hôm nay, chúng em được truyền đạt những kiến thức rất bổ ích, giúp mình hiểu rõ hơn về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy nổ để đề phòng và tuyên truyền cho mọi người ở nơi em sinh sống. Ngoài ra, khi thực hành, chúng em còn được các chú công an hướng dẫn sử dụng từng dạng bình chữa cháy để chữa cháy hiệu quả, đảm bảo an toàn cho chính mình.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, thông tin: Các trường học và cơ sở giáo dục là nơi tập trung đông người, nhiều khu vực tồn chứa các loại chất cháy khác nhau có thể gây nguy hiểm cháy, nổ như: thư viện, bếp ăn, nhà để xe, phòng học... Học sinh, sinh viên hầu hết chưa phát triển đầy đủ tâm sinh lý và kiến thức xã hội, chưa có kỹ năng PCCC, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi xảy ra cháy, sự cố. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với Ngành giáo dục, tăng cường tổ chức tuyên truyền, ngoại khóa trang bị kiến thức PCCC, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phương án thực hành phù hợp với từng bậc học và điều kiện thực tế của các trường, chú trọng hướng dẫn các kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trong các trường học. Từ năm 2022 đến nay, Phòng đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục với gần 15.000 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 610 cơ sở giáo dục, công tác PCCC luôn được ngành giáo dục quan tâm, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, các cơ sở giáo dục còn chủ động thực hiện các giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, hệ thống chống sét và các hệ thống trang thiết bị PCCC.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp về PCCC, Sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, nhân viên, người lao động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCCC&CNCH trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với Công an huyện, thành phố nghiên cứu xây dựng nội dung, tăng cường kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh, lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, cơ sở giáo dục; tổ chức cho giáo viên, nhân viên, người lao động và các em học sinh ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong trường học và nơi cư trú.
Trường Tiểu học - THCS – THPT Quốc tế Bình Minh, thành phố Sơn La có 4 cấp học với trên 30 lớp học. Với phương châm "phòng hơn chữa", công tác PCCC luôn được nhà trường quan tâm. Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Nhà trường đặc biệt quan tâm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết PCCC phù hợp với các bậc học.
Ở độ tuổi mầm non, bài học PCCC được lồng ghép khá nhẹ nhàng, mọi lúc mọi nơi để trẻ dễ tiếp thu và thích nghi, như: Dạy trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm; khi phát hiện những dấu hiệu bất thường cần hô hào hoặc báo ngay với cô giáo; xây dựng các tình huống giả định.
Đối với bậc tiểu học, THCS và THPT, lồng ghép trong nội dung các bài học giáo dục chính khóa, như: Cách xử lý sự cố cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn trong điều kiện cháy; làm quen với bình chữa cháy, công dụng và số điện thoại báo cháy 114. Cùng với đó, nhà trường quan tâm, đầu tư trang bị các phương tiện chữa cháy và tập huấn cho đội ngũ bảo vệ, giáo viên.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt, là sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng cảnh sát PCCC và ngành giáo dục, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, kỹ năng PCCC của cán bộ, giáo viên và học sinh, có thể tự bảo vệ chính mình và cộng đồng, góp phần giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy nổ xảy ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!