Nhà sàn truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, nhà sàn lại được làm chủ yếu bằng những vật liệu dễ bắt lửa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây gần 1 năm nhưng nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy nhà sàn ở bản Mo Nghè 1, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, xảy ra ngày 24/4/2022 làm 1 cụ bà hơn 90 tuổi bị liệt tử vong và toàn bộ vật dụng trong nhà bị thiêu rụi. Hay như vụ việc xảy ra vào 17 giờ 10 phút ngày 31/12/2020, 2 cháu nhỏ trú tại bản Tốc Lìu, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, trong lúc chơi đùa đã đốt đống rơm dưới gầm nhà sàn của gia đình, dẫn đến cháy lan lên sàn gỗ và nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Tính riêng từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy nhà sàn. Những vụ cháy xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chập điện, không đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Cùng cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, khảo sát một số hộ dân đang ở nhà sàn trên địa bàn một số huyện, thành phố về PCCC, cho thấy, bên cạnh một số nhà dân đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC thì còn nhiều gia đình lắp đặt hệ thống điện chưa đảm bảo, dễ gây chập cháy; nhiều hộ bố trí sử dụng bếp củi, bếp gas trên sàn nhà gần các vật liệu dễ cháy và không có biện pháp che chắn. Cùng với đó, việc quản lý sử dụng nguồn lửa để đun nấu, sưởi ấm chưa được giám sát chặt chẽ; nhiều hộ có tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, chưa nắm được các biện pháp, kỹ năng khi xảy ra sự cố cháy nhà sàn.
Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, cho biết: Nhà sàn được làm bằng nhiều vật liệu dễ cháy, vì vậy khi xảy ra cháy trong điều kiện ngoài trời, tốc độ cháy lan rất lớn, nhất là khi thời tiết hanh khô và gió to. Các tàn lửa cháy dở từ đám cháy có thể bay theo chiều gió dẫn đến gây cháy lan ra các khu vực lân cận. Trong trường hợp xảy ra cháy nhà sàn, thì việc chữa cháy hết sức khó khăn do đa số các hộ ở nhà sàn chủ yếu tại khu vực vùng sâu, vùng xa không có đường giao thông cho phương tiện chữa cháy tiếp cận. Hiện nay, đơn vị đang triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá thực trạng công tác đảm bảo PCCC đối với loại hình nhà sàn tại các huyện Vân Hồ, Phù Yên, Mường La và Thành phố. Khảo sát thực trạng công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các hộ gia đình đang ở nhà sàn phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; lồng ghép tuyên truyền cho các hộ dân kiến thức, kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra tại nhà sàn.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và được biên dịch sang tiếng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hướng dẫn, vận động người dân làm bếp bằng tấm bê tông hoặc vật liệu không cháy. Hướng dẫn các hộ quản lý chặt chẽ các nguồn nhiệt, khi đun nấu xong phải dập hết tàn lửa; lắp đặt hệ thống điện đảm bảo an toàn, các thiết bị điện, dây dẫn điện không đặt trực tiếp lên các vật liệu dễ cháy; tuyệt đối không đóng dây dẫn trực tiếp vào cột, tường gỗ hoặc đi qua các vật liệu dễ cháy như đệm, quần áo, bạt chống nóng trên mái nhà. Khu vực đun nấu tuyệt đối không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy, không để các chất dễ cháy như củi, rơm, xăng, dầu, gas ở gần nhà, dưới gầm sàn, trường hợp cần chỉ dự trữ với số lượng ít; chủ động chuẩn bị bể nước, vòi nước, bình chữa cháy… để kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi mới xảy ra.
Thời điểm này đang bước vào mùa hanh khô, cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về công tác PCCC; chủ động trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ PCCC theo phương châm 4 tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!