Phát huy truyền thống cách mạng Di tích lịch sử Cây Me

Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi về thăm Di tích lịch sử Cây Me, tại tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Nơi đây, 78 năm về trước đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La.

Giọng nữ
Đoàn viên thanh niên thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn tham quan Di tích lịch sử Cây Me.

Khu vực diễn ra hội nghị thành lập chi bộ là ngôi nhà sàn nhỏ nay đã không còn, dấu tích trường tồn đến nay là cây me. Di tích Cây Me, được UBND tỉnh công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Cây Me hàng trăm tuổi vẫn sừng sững tựa bên triền núi đá, phía trước mặt là dòng suối Nậm Pàn và con đường nhựa nối liền các khu dân cư thị trấn.

Đến thăm di tích, ông Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Mai Sơn, xúc động và tự hào giới thiệu về truyền thống cách mạng của quê hương: Theo tư liệu lịch sử, ngày 26/8/1945, nhân dân các dân tộc Sơn La đã đứng lên giành chính quyền, góp phần cùng nhân dân cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Chính quyền được thành lập, nhưng chưa có tổ chức đảng, thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 1/8/1946, những cán bộ Việt Minh, đội viên đội tự vệ chiến đấu và những thanh niên trung thực, có nhiệt huyết cách mạng, đã được chọn làm đối tượng phát triển Đảng. Đầu tháng 10/1946, có 4 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, đủ điều kiện để thành lập chi bộ độc lập.

Đến trung tuần tháng 10/1946, tại ngôi nhà sàn nhỏ bên cạnh cây me, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng được tổ chức bí mật dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quyết, Bí thư Tỉnh ủy. Chi bộ thành lập có 8 đảng viên, gồm đồng chí Trần Quyết, Bùi Thọ Chuyên, Đại Liên, Động Lực, Lò Văn Mười, Sơn Nhân, Nguyễn Văn Đức, Cầm Van (Ngọc Tình). Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt, phải trực tiếp lãnh đạo toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sự kiện thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sơn La, là bước ngoặt căn bản của cách mạng Sơn La.

Giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử, vừa qua, UBND huyện Mai Sơn đã khởi công xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Cây Me. Công trình được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 14,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, có tổng diện tích quy hoạch khoảng 21.358m2, gồm nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trưng bày, nhà sắp lễ, khuôn viên cảnh quan và các hạng mục phụ trợ. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc của Di tích. Đồng thời, là địa chỉ giáo dục truyền thống, điểm du lịch, gắn với giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trải qua thời gian, vùng đất Mai Sơn Anh hùng luôn đi đầu trong phong trào cách mạng. Và Hôm nay đang trên đà phát triển, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh với các nhà máy, khu công nghiệp, vùng cây ăn quả. Cuộc sống đổi thay ngày càng giàu đẹp, nhiều công trình cơ quan, trường học và nhà ở cao tầng hiện đại được xây dựng, đường phố tấp nập xe cộ. Điểm tô cho thị trấn Hát Lót, là những vườn hoa, cây xanh tạo không gian thư giãn, vui chơi cho người dân; đường giao thông nội tổ, bản được chỉnh trang, nâng cấp và bê tông hóa, giúp nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Quốc phòng, an ninh đảm bảo; sự nghiệp giáo dục văn hóa, y tế tiếp tục được xây dựng và phát triển, tình hình an ninh chính trị - trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.

Hàng loạt dự án quan trọng, trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện Mai Sơn giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai, như: Dự án đường 26/3, từ xã Cò Nòi đến tiểu khu 10, xã Hát Lót; Trường Mầm non Hoa Hồng; trụ sở các cơ quan chính trị - hành chính huyện; quy hoạch chi tiết các khu đô thị... Đây là những dự án khi triển khai nhận được sự quan tâm lớn và đồng thuận cao của nhân dân.

Ông Trần Đại Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Hát Lót, cho biết: Cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh dịch vụ. Đến nay, thị trấn có hơn 100 doanh nghiệp, 720 hộ kinh doanh; tổng doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên 150 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 36,6 tỷ đồng. Nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gần 400 ha cây ăn quả; nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Điển hình, mô hình trồng na của ông Trần Bá Khánh, tiểu khu 1; mô hình vườn ươm của bà Đinh Thị Ái Vân, tiểu khu 11 và trồng xoài, nhãn của ông Nguyễn Văn Cường, tiểu khu 18, cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Bí thư chi bộ, Trưởng tiểu khu 6, chia sẻ: Tiểu khu có 241 hộ, 919 nhân khẩu, thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, chỉ còn 1 hộ cận nghèo. Toàn bộ các tuyến đường nội tiểu khu đã được bê tông, tạo nên diện mạo mới trong mỗi khu dân cư. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 92% số hộ đạt gia đình văn hóa, tiểu khu nhiều năm liền được công nhận tiểu khu văn hóa.

Tự hào là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Hát Lót nói riêng, huyện Mai Sơn nói chung tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn Di tích Cây Me, thực sự phát huy giá trị lịch sử cho hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới