Xã hội hóa xây dựng công trình vệ sinh cho học sinh vùng cao ở Sông Mã

Công tác xã hội hóa công trình vệ sinh cho học sinh vùng cao ở huyện Sông Mã trong những năm qua đã góp phần cải thiện môi trường học tập và sinh hoạt cho học sinh tại các khu vực còn nhiều khó khăn.

Giọng nữ
Khu vệ sinh của Trường PTDT bán trú xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã. 

Tại các trường học vùng cao, vùng còn khó khăn của huyện Sông Mã, tình trạng thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn từng là nỗi lo của các bậc phụ huynh và nhà trường. Trước đây, nhiều trường học chỉ có những nhà vệ sinh tạm bợ, thiếu nước, thậm chí không có. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và tạo ra những rào cản trong việc duy trì và nâng cao chất lượng học tập.

Hiện nay, huyện Sông Mã có 53 đơn vị trường học trực thuộc, với 1.443 nhóm lớp, với 43.860 học sinh. Toàn huyện có tới 339 điểm trường, các điểm trường lẻ cách điểm trung tâm từ 3 đến 28km; số lượng điểm trường lẻ lớn đã gây khó khăn đối với việc đầu tư xây dựng đủ công trình vệ sinh đạt chuẩn. Khoảng 50% các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện đang sử dụng các công trình vệ sinh được xây dựng từ những năm 2000 đã xuống cấp, nhiều điểm là nhà vệ sinh tạm chưa hợp vệ sinh, chưa đáp ứng được nhu cầu vệ sinh của giáo viên và học sinh.

Ông Nguyễn Công Viên, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, chia sẻ: Phòng đã tham mưu cho huyện huy động xã hội hóa xây dựng công trình ở các trường học với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động giáo dục của các trường học đã có những bước tiến đáng khích lệ, đặc biệt là xây dựng các công trình vệ sinh cho học sinh vùng cao được quan tâm chú trọng, nhất là ở các điểm trường lẻ.

Giáo viên Trường PTDT bán trú xã Nà Nghịu gội đầu, tắm rửa cho học sinh nữ.

Năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn huyện Sông Mã đã nhận được sự đầu tư của các nhà tài trợ xây dựng 45 công trình vệ sinh, với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Hy vọng của báo VnExpress, hệ thống Trường Archimedes Academy Hà Nội... xây dựng 19 công trình nhà vệ sinh; vận động tài trợ bằng hiện vật, công lao động, các nhà tài trợ trên địa bàn huyện xây dựng, sửa chữa 23 công trình nhà vệ sinh; xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước 3 công trình nhà vệ sinh. Bà con các bản làng đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, vận chuyển vật liệu xây dựng để xây dựng nên những công trình.

Cô giáo Đỗ Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú xã Nà Nghịu, cho biết: Công trình vệ sinh của điểm trường trung tâm và một điểm trường lẻ được xây dựng và hoàn thành từ tháng 10/2023, phục vụ 254 học sinh bán trú, nội trú. Công trình này do Phòng Giáo dục và Đào tạo kết nối, vận động xã hội hóa với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Khi công trình hoàn thành, việc vệ sinh cá nhân của các học sinh vùng cao đã thuận lợi hơn. Hằng ngày, các giáo viên nhà trường đều cùng nhau giúp các em học sinh nữ gội đầu, tắm rửa, tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho các em khi về nhà, nhất là học sinh ở các bản vùng cao, vùng sâu...

Hàng chục công trình nhà vệ sinh đã được xây dựng tại các trường học ở huyện Sông Mã. Các em học sinh đã có nơi vệ sinh an toàn, được giáo dục về tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường cũng được nâng cao đáng kể.

Giáo viên Trường PTDT bán trú xã Huổi Một dọn dẹp khu vệ sinh của nhà trường.

Thầy giáo Tô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú xã Huổi Một, chia sẻ: Trước đây, khi chưa có công trình nhà vệ sinh mới, các em học sinh phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, không đảm bảo chất lượng, nước sinh hoạt cũng không đảm bảo, có những thời điểm nhà trường còn không có nhà vệ sinh, nên giáo viên và học sinh khá vất vả trong sinh hoạt tại trường. Cuối năm học vừa rồi, nhà trường được đầu tư 2 công trình vệ sinh, 1 giếng khoan và 1 bể hơn dung tích 100m3, phục vụ cho khoảng 400 học sinh. Bây giờ, việc vệ sinh của các em đã thuận lợi hơn, an toàn hơn, nước sinh hoạt cũng luôn đảm bảo.

Ông Nguyễn Công Viên cho biết thêm: Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng nhà vệ sinh bằng nguồn tài trợ của Ban tổ chức cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024” Cúp Báo Quân đội nhân dân cho Trường PTDT bán trú THCS Huổi Một, điểm trường tiểu học bản Mé, xã Nà Nghịu. Đồng thời, tham mưu bố trí phần kinh phí xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình vệ sinh đạt chuẩn cho các trường học, đặc biệt là các điểm trường lẻ. Tiếp tục thực hiện tốt việc xã hội hóa, huy động tài trợ, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh, và đủ điều kiện đạt chuẩn vệ sinh.

Công tác xã hội hóa nhà vệ sinh cho học sinh ở vùng cao huyện Sông Mã đã và đang từng bước xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục cho các em học sinh và cộng đồng địa phương.

Bài, ảnh: Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới