Đã 57 mùa xuân, kể từ ngày nghe theo lời kêu gọi của Đảng, hơn 20 thanh niên nam, nữ là những đảng viên, đoàn viên ưu tú của xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (Hưng Yên) xung phong lên xã miền núi nghèo khó Mường Cơi (Phù Yên) để xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua bao thăng trầm, với nghị lực và ý chí kiên cường họ đã bám trụ, khai phá, biến miền “đất lạ hóa quê hương”.
Đi tìm “tiếng hát con tàu”
Chúng tôi đến Nghĩa Hưng vào thời điểm đất trời chuẩn bị sang xuân, hòa trong màu xanh của những vườn cây ăn quả, những ngôi nhà khang trang, kiên cố, những khuôn mặt rạng ngời, chúng tôi hiểu được đóng góp của những con người tiên phong đi xây dựng quê mới năm xưa. Đúng như những vần thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên khắc họa khát vọng của đồng bào miền xuôi lên khai phá miền núi:
“Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu...”
Một góc bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) hôm nay.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Nguyễn Hồng Dư, nguyên là Chủ nhiệm HTX Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi giai đoạn 1968-1975. Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày khai phá vùng đất mới dưới chân đèo Lũng Lô huyền thoại. Ông Dư kể: HTX Nghĩa Hưng đặt tên gắn với nơi mới đến và quê cũ (Nghĩa là tỉnh Nghĩa Lộ, Hưng là tỉnh Hưng Yên). Ngày mới thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn bởi “lạ nước, lạ cái”, khí hậu khắc nghiệt, địa hình toàn đồi núi, đèo dốc. Không có chợ, mọi người chủ yếu ăn cơm với muối trắng. Những tháng mùa mưa không thể đi đâu được thì đến muối cũng không có để ăn, đêm xuống đốt lửa thay cho đèn dầu... Những khó khăn đó, không làm nản lòng, chùn bước bà con xã viên. Tất cả đều thấm nhuần khẩu hiệu “Phải biến không thành có, biến khó thành dễ” với một quyết tâm khai phá mở mang làm giàu cho vùng Tây Bắc, nên chỉ trong một thời gian ngắn, với đôi bàn tay cùng dụng cụ thô sơ, anh, em cùng nhau khai phá đất đai trồng chè, trồng ngô, sắn, dựng nhà sinh sống...
Ngày đó, HTX chủ yếu trồng cây chè, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” xã viên trồng thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, đỗ các loại xen vào những nương chè và chăn nuôi thêm gia súc. Bên cạnh đó, HTX giao đất cho các hộ trồng thêm ngô, khoai, sắn, dong riềng, mía để có thực phẩm cải thiện đời sống và làm nghĩa vụ với Nhà nước theo chỉ tiêu hằng năm. “Trong cái khó ló cái khôn”, nhiều hộ đã biết chế biến miến dong thái tay, mía mật đem trao đổi, bán cho bà con sở tại. Nhờ đó, cuộc sống của xã viên ngày được cải thiện và nâng lên, nhiều hộ làm được nhà gỗ, thưng ván, lợp ngói, nhiều hộ mua được xe đạp, máy thu thanh. Số lượng xã viên tăng từ 24 người ban đầu, đến cuối năm 1967, HTX đã có 172 người đến từ nhiều xã khác nhau của huyện Văn Giang (Hưng Yên) lên vùng đất này để khai hoang, lập nghiệp.
Năng động trong phát triển kinh tế
Bước vào thời kỳ đổi mới, khi cơ chế bao cấp được xóa bỏ, người dân Nghĩa Hưng đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm. Hầu hết kinh tế không còn phụ thuộc vào một vài loại cây trồng, thay vào đó là những mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng; trồng cây ăn quả có múi; đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh buôn bán, vận tải. Hiện, cả bản có 60 ha cây ăn quả có múi, nuôi hơn 200 con trâu, bò và trên 2.000 con lợn, khoảng 4.000 con gia cầm... mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Sử, một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của bản, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay trong cách làm kinh tế của người dân trong bản. Với gần 2 ha trồng cam canh, quýt ngọt, vụ quả năm 2020, gia đình anh thu hơn 50 tấn quả, trừ hết mọi chi phí, lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngoài trồng cây ăn quả, anh Sử còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm chuồng trại nuôi 150 đôi dúi giống và hiện anh đang đầu tư giàn hoa lan với nhiều loại quý hiếm, trong tương lai không xa sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Từ thành công của anh Sử, nhiều hộ dân trong bản, xã đến học tập làm theo. Để phát triển bền vững, tháng 8/2018, anh Sử và một số hộ thành lập HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng. Với phong cách giản dị, chân chất của người nông dân, anh Sử bảo: Cha ông đã vất vả khai hoang, phục hóa, thế hệ con cháu chúng tôi phải biết phát huy thế mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, làm giàu cho gia đình và bản làng ngày càng giàu đẹp.
“Đất lành chim đậu”, gần 60 năm từ ngày xa quê hương lên núi lập bản, qua nhiều thế hệ, đến nay, bản Nghĩa Hưng đã phát triển thành 124 hộ, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất cho thu nhập cao. Nghĩa Hưng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Mường Cơi và huyện Phù Yên. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, sân vận động, công trình nước sạch, điện. Đặc biệt, sau khi tuyến đường nội bản dài 2 km được bê tông hóa, bà con lại trồng hoa dọc hai bên đường và cứ vào ngày 28 hằng tháng lại cùng nhau tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tổ chức thu gom rác thải tại 18 điểm để thuận tiện cho việc xử lý; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an ninh và làm đẹp cảnh quan môi trường. Hiện, bản đã cơ bản đạt các tiêu chí của bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Văn Cường, Bí thư Chi bộ bản, phấn khởi: Tết năm nay bà con trong bản ăn Tết vui hơn, bởi cả bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 60%, với mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ đã xây được nhà tầng, nhiều nhà còn mua ô tô để phục vụ cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Đời sống nâng lên, các gia đình có điều kiện chăm lo cho con em học tập; nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trở thành giáo viên, kỹ sư, bác sĩ... cống hiến cho xã hội.
Trong không khí mùa xuân tràn ngập núi rừng, tận mắt chứng kiến những mô hình, những cách nghĩ cách làm hiệu quả của người dân bản Nghĩa Hưng, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu của người dân nơi đây. Chợt nhớ đến những vần thơ trong bài thơ “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông:
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!