Tham mưu hiệu quả công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm

Chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực được phân công, những năm qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Giọng nữ
Đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tặng quà người có công tại xã Chiềng Khoong.
Ảnh: Huyền Trăng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực lao động, việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; chính sách người có công; bảo trợ xã hội; giảm nghèo; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới... Trong đó, có các quyết định của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) cho 8 nghề áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030”; Đề án và Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025...

Hằng năm, ngành chú trọng thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đúng quy định, đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình người có công nhân dịp tết nguyên đán, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, với hàng chục nghìn suất quà/năm. Ngoài ra, còn thực hiện kịp thời các chế độ mai táng phí; trợ cấp một lần cho người có công với cách mạng từ trần; chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; trợ cấp một lần đối với thân nhân bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những việc làm đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã cống hiến hy sinh vì Tổ quốc.

Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, ngành đã chỉ đạo phòng lao động, thương binh và xã hội các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng; hướng dẫn việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ để được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43.009 người được hưởng chính sách trợ giúp xã hội  (42.835 người tại cộng đồng; 174 người tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội). 100% đối tượng bảo trợ xã hội được quản lý, chăm sóc, được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống cho đối tượng yếu thế.

Về lĩnh vực lao động, việc làm, ngành đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động. Các thông tin về thị trường lao động được cập nhật lên website, fanpage facebook của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; thông báo trực tiếp đến các xã, thị trấn... Từ đầu năm đến nay, ngành đã phối hợp tổ chức 43 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn và Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, Trung đoàn 754 (Bộ CHQS tỉnh); 8 ngày hội việc làm tại các huyện Mường La, Mộc Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, thành phố Sơn La, Trường Cao đẳng Sơn La, với trên 12.000 lượt lao động, học sinh, sinh viên tham gia. Đăng thông tin tuyển dụng lên website, fanpage facebook của Trung tâm cho 72 doanh nghiệp và 141 hồ sơ tìm việc; thu hút  gần 70.000 lượt người truy cập Website và trên 30.000 lượt người tiếp cận trang facebook “Dịch vụ việc làm”. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 81.800 lao động đi làm việc ngoài tỉnh; 165 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngành còn tham mưu cho tỉnh triển khai chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung rèn kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đảm bảo học sinh, sinh viên có tay nghề thành thạo ngay trong khi đang học. Toàn tỉnh có 432 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp công lập; trong đó 232 người có trình độ trên đại học, 155 người đại học, 45 người trình độ khác. Trong 8 tháng qua, đã tuyển sinh và đào tạo 8.417 người thuộc các cấp trình độ. Ước đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%.

Bà Hoàng Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phù Yên, chia sẻ: Phòng đã tham mưu cho huyện về công tác dạy nghề, tập trung vào đối tượng là lao động nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tạo việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, toàn huyện có 21.602 người làm việc tại doanh nghiệp ngoài huyện, 4.857 người làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn huyện; 48 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, phòng đã phối hợp thực hiện các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng, với 198 dự án vay vốn, tạo việc làm cho 277 lao động.

Công tác lao động, người có công và xã hội đã nhận được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, giúp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo nguồn lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới