Cao nguyên Nà Sản có diện tích khoảng 20 km² nằm trên địa phận các xã Mường Bon, Hát Lót, Chiềng Mung và Chiềng Mai của huyện Mai Sơn. Với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, giao thông và quốc phòng, cao nguyên Nà Sản hôm nay, là một trong những vùng trọng điểm trồng cây ăn quả chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Ngược dòng lịch sử, tháng 10/1952, thực dân Pháp đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Nà Sản để phòng thủ, cản trở đường tiến quân của bộ đội ta trong Chiến dịch Tây Bắc. Cứ điểm được xây dựng cách trục đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay) khoảng 500 - 1.000m; phân bố trên diện tích 10km², được bao quanh bởi hai dãy núi Pú Hồng và bản Vạy. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng gồm có: Sở chỉ huy; sân bay vận tải; hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí... Tập đoàn được xây dựng theo mô hình như một vòng cung khép kín, có 17 cứ điểm liên hoàn; phía bắc có các cụm Pú Cát, Pú Hồng, Nà Si; phía nam có cụm núi Na Sam, bản Cưởm, bản Vạy, Cừ Nhừm.
Tiếng súng mở màn Chiến dịch Tây Bắc của bộ đội ta bắt đầu từ ngày 14/10/1952. Sau 3 đợt tấn công quyết liệt, Chiến dịch đã giành thắng lợi. Trong chiến dịch này, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều quân địch và thu được một lượng lớn đạn dược, vũ khí, giặc Pháp phải rút lui về co cụm tại tập đoàn cứ điểm Nà Sản...
Là một trong số ít những người từng được chứng kiến những tháng năm hào hùng tại cao nguyên Nà Sản, ông Lò Văn Biêng, bản Nà Hạ 1, xã Chiềng Mung, năm nay đã ngoài 90 tuổi, kể: Khi quân địch rút khỏi cứ điểm Nà Sản, nhân dân các bản vui mừng, phấn khởi, quê hương đã sạch bóng quân thù. Bà con trong bản tích cực lao động sản xuất; ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội trên đường ra tiền tuyến. Được chứng kiến sự đổi thay của quê hương trong những năm qua, tôi rất vui mừng và tự hào.
Tập đoàn cứ điểm Nà Sản ngày ấy, nay chỉ còn là di tích lịch sử, là chứng tích của những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta chiến đấu chống thực dân Pháp trong chiến dịch Tây Bắc. Năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định xếp hạng cấp Quốc gia Di tích lịch sử “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản”. Sau 70 năm, cao nguyên Nà Sản đã khoác lên mình diện mạo mới, với những nương cà phê, vườn cây ăn quả bạt ngàn màu xanh bao quanh những bản mường trù phú, ấm no.
Cao nguyên Nà sản là vùng đất bazan màu mỡ được quy hoạch trồng các loại cây công nghiệp, như chè, cà phê, mía đường. Từ những năm 80 thế kỷ trước đã có nhiều loại cây trồng như cà phê, dâu tằm... Trải qua các thời kỳ phát triển, từ Hát Lót đến Chiềng Mung hôm nay vẫn là những vùng cà phê, mía đường, sắn cao sản cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn.
Diện tích trồng cà phê tại cao nguyên Nà Sản đạt trên 1.100 ha, sản lượng hàng năm gần 15.000 tấn quả tươi; cùng với đó, người dân các xã Hát Lót, Mường Bon trồng trên 1.000 ha cây mía, sản lượng khoảng 80.000 tấn/vụ. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân, cao nguyên Nà Sản trở thành vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của huyện, của tỉnh, với trên 3.500 ha cây ăn quả các loại, tổng giá trị thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. việc mở rộng vùng trồng các loại cây ăn quả tại cao nguyên Nà Sản còn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Vùng đất trù phú này đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, gồm: Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh; Nhà máy tinh bột sắn Mai Sơn và Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.
Nét nổi bật là, sân bay Nà Sản nằm trong quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển giao thông hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh Sơn La có tờ trình về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo đó, sân bay Nà Sản sẽ được xây dựng trên nền sân bay hiện nay. Theo dự kiến, sân bay Nà Sản sẽ là cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp 1, công suất đến năm 2030 dự kiến đạt 1,5 triệu lượt khách/năm, với các loại máy bay A320 và A321 được đưa vào khai thác. Dự án sân bay Nà Sản được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tới nghiên cứu tiềm năng, cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện xác định hình thành 3 cụm kinh tế gắn với lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong đó, cao nguyên Nà Sản - vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, với vai trò vị trí trung tâm kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến, như: Cà phê, sắn, các loại trái cây phục vụ chế biến nước ép... Nếu dự án sân bay Nà Sản được triển khai sẽ giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, góp phần đưa Nà Sản trở thành khu kinh tế trọng điểm của huyện Mai Sơn và của tỉnh Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!