Quan tâm, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

Sau chiến tranh, nhiều người lính trở về, nhưng lại mang trong mình chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh. Hậu quả để lại là nỗi đau cho chính bản thân họ và thế hệ con, cháu trong gia đình. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm chăm sóc, triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp các nạn nhân chất độc da cam ổn định cuộc sống.

Giọng nữ
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam. Ảnh Văn Quân (CTV)

Hiện nay, tỉnh ta có 455 trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, trong đó, 282 nạn nhân trực tiếp, 173 nạn nhân bị phơi nhiễm. Qua rà soát, hầu hết các đối tượng trực tiếp bị phơi nhiễm tuổi từ 66-86 tuổi. Quan tâm chăm sóc người có công, các sở ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 5/5/2023 triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, phát hiện sớm, can thiệp sớm dị tật, khuyết tật, quản lý thai nghén, tư vấn sinh sản cho nạn nhân có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập từ năm 2018; đến nay, Hội có 9 chi hội trực thuộc, với 420 hội viên. Các cấp hội đã vận động xây dựng quỹ hội được trên 1 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội hỗ trợ 146 triệu đồng, các chi hội huy động trên 900 triệu đồng. Quỹ hội đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7 nhà tình nghĩa cho hội viên khó khăn về nhà ở; tặng 55 xe lăn và 2 suất học bổng (18 triệu đồng/suất) cho con, cháu của người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đầu năm 2024, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tổ chức khám, điều trị miễn phí cho 35 lượt người nhiễm chất độc hóa học.

Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho 537 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Tổ chức khám, giám định y khoa cho 1 đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, được hưởng chế độ ưu đãi người có công. Trong 2 năm (2022-2023), Bộ CHQS tỉnh đã giải mã cho 22 đối tượng đề nghị giải mã, xác nhận ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, thời gian và địa bàn hoạt động các đơn vị quân đội tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường B, C, K vùng quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học trước ngày 30/4/1975.

Lãnh đạo huyện Sông Mã trao quà cho ông Cầm Văn Ngoan, trú tại xã Chiềng Cang, người nhiễm chất độc da cam.

Tuy nhiên, việc hướng dẫn xác lập hồ sơ công nhận mới người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ còn nhiều vướng mắc về giấy tờ theo quy định. Hơn nữa, chưa có hướng dẫn, cách giải quyết đối với các trường hợp quân nhân đã phục viên, xuất ngũ về gia đình, nay bị mất hết giấy tờ làm căn cứ chứng minh có tham gia ở vùng Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh. Một số nạn nhân là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ (thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ an sinh xã hội.

Giải quyết tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công nói chung và chính sách ưu đãi đối với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp tục tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách; phát hiện, xử lý kịp thời tập thể, cá nhân và đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội.

Những hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được duy trì thường xuyên thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức và của cả cộng đồng, góp phần làm dịu nỗi đau của những người vì đất nước đã cống hiến, hy sinh.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới