Thực hiện chính sách tín dung, đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Mai Sơn có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn kiểm tra việc sử dụng nguồn vay tại xã Nà Bó. Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long và na sai trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch, chị Phạm Thị Minh, tiểu khu 7, chia sẻ: Năm 2020, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, cùng với tiền tiết kiệm, gia đình đầu tư trồng 0,3 ha cây thanh long ruột đỏ, từ năm 2023 đến nay, cho thu hoạch 10 tấn quả, bán với giá từ 14.000 - 20.000 đồng/kg; 0,7 ha na Thái, na sầu riêng, năm nay, bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên dự kiến cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả.
Cũng như chị Minh, nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, giúp anh Lò Văn Hùng, bản Bó Đươi có điều kiện đầu tư mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng và trồng cây ăn quả, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh Hùng cho biết: Năm 2020, gia đình vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện mua 4 cặp bò sinh sản. Sau 2 năm, đàn bò phát triển lên 20 con. Hiện nay, mỗi năm gia đình xuất bán 10 con, cùng với vườn nhãn, xoài, cho thu nhập 120 triệu đồng.
Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH giúp nhiều hộ nghèo của xã Nà Bó có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn xã đạt gần 23 tỷ đồng, với 650 hộ vay, chủ yếu trồng na, thanh long, xoài, nhãn, nuôi trâu, bò sinh sản... mang lại thu nhập từ 80-200 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Chiềng Mai, cùng với tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, xã đẩy mạnh quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; việc bình xét cho vay được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ. Ông Hà Văn Chính, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã gần 55 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ vay. Hằng tháng, xã chỉ đạo các tổ vay vốn tại các bản kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn đảm bảo hiệu quả, không để có trường hợp nợ quá hạn. Từ nguồn vốn vay, đã tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã đạt gần 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 7%, xã phấn đấu cuối năm 2024, đạt chuẩn nông thôn mới.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các xã, thị trấn; xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn, cho biết: Phòng đang phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể kiện toàn 517 tổ tiết kiệm và vay vốn, triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng tại các xã, thị trấn, tổng dư nợ hơn 800 tỷ đồng, với 16.588 hộ vay. Đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, Phòng phối hợp với các hội đoàn thể thường xuyên rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.
Phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay... góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!