Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về người, nhiều nhà, tài sản và các công trình của Nhà nước và nhân dân tại huyện Mường La. Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang tập trung cao chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Theo thông kê đến nay, huyện Mường La có 1 người mất tích; 41 nhà bị ảnh hưởng (2 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 4 nhà bị vùi lấp hoàn toàn; 32 nhà phải di dời khẩn cấp; 2 nhà bị đất đá tràn vào nhà, 1 nhà lán trại bị cuốn trôi hoàn toàn). Mưa lũ làm ngập, vùi lấp trên 169 ha lúa; 5,25 ha ao cá; 20 ha ngô bị thiệt hại; lũ cuốn trôi trên 20 con gia súc, gia cầm. Tuyến đường 279D bị sạt lở vùi lấp nền đường với khoảng 120 m3 đất đá; lũ ống lũ quét đã phá huỷ nhiều tuyến đường liên xã, liên bản; hư hỏng 2 cầu tràn; lũ cuốn trôi 2 cầu treo; 7 công trình nước sinh hoạt và 13 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng... ước tổng thiệt hại hơn 8,7 tỷ đồng.
Các đồng chí lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo các lực lượng, huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; đồng thời, thăm hỏi, động viên các gia đình có người mất tích, thiệt hại về nhà ở sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn huyện, xã Ngọc Chiến là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Xã có 1 người bị mất tích do lũ cuốn; 39 nhà bị thiệt hại (2 nhà bị lũ cuốn trôi, 1 nhà bị vùi lấp, 3 nhà đất đá trôi vào nhà; 33 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời khẩn cấp); 150 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, đất đá vui lấp; thiệt hại 5 ha ao cá. Lũ làm hư hỏng, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, cầu dân sinh trên địa bàn; hư hỏng 8 công trình nước sinh hoạt; 14 công trình thủy lợi... Hiện trường sau khi lũ rút đã để lại nhiều đoạn đường ngổn ngang bùn đất, rác, củi gỗ... Cách đây vài ngày, vào dịp lễ hội mừng cơm mới, ruộng lúa chín vàng đang chờ thu hoạch, nay nhiều thửa ruộng chìm trong nước, bùn đất vùi lấp...
Ông Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã, thông tin nhanh với chúng tôi: Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, xã Ngọc Chiến đã cử các tổ công tác kiểm tra thực tế tại các bản để nắm bắt tình hình thiệt hại. Riêng bản Pú Dảnh, có 12 hộ bị thiệt hại về nhà, xã đã huy động các lực lượng gấp rút di dời các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà và có nguy cơ bị sập đổ, sạt lở đến nhà văn hoá bản, đảm bảo an toàn. Rà soát các điểm sạt lở để có phương án khắc phục, xử lý. Huy động các phương tiện, máy móc khơi thông dòng chảy... Triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp. Xã đã vận động nhân dân các bản giúp nhau gặt lúa cả ngày lẫn đêm để kịp thời thu hoạch các diện tích lúa đã chín, tránh bị lũ cuốn, ngập úng, hạn chế thiệt hại.
Gia đình chị Giàng Thị Ly, bản Pú Dảnh, xã Ngọc Chiến, đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi căn nhà và tài sản bị cuốn theo dòng nước lũ vào đêm mồng 7 rạng sáng 8/9. Chị Ly buồn rầu kể lại: Nghe thấy tiếng ầm ầm, chồng tôi hô hoán vợ con dậy chạy ra khỏi nhà, dòng nước lũ ập đến cuốn theo nhà cửa, tài sản của gia đình. Giờ gia đình tôi đang được chính quyền và nhân dân trong bản giúp đỡ ổn định chỗ ở; bố trí mặt bằng, hỗ trợ nhân công để dựng lại căn nhà mới.
Còn tại bản Nà Chà, xã Pi Toong, có 14 hộ bị nứt nền nhà, trong đó, 1 hộ di chuyển khẩn cấp; nhà văn hóa, nhà lớp học mầm non, tiểu học cũng xảy ra hiện tượng nứt nền...
Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Qua rà soát, thực địa nơi ở của các hộ dân có hiện tượng nứt nền nhà, UBND huyện đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, lập dự án di chuyển các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở bản Nà Chà đến địa điểm mới, đảm bảo an toàn để các hộ gia đình yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Trong quá trình thực hiện khắc phục thiên tai, lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã chủ động phối hợp, hiệp đồng giúp người dân di chuyển tài sản và nơi ở tại những vùng có nguy cơ sập đổ, sạt lở đến các khu vực an toàn; làm tốt các nhiệm vụ bảo đảm an toàn ở những khu vực ngập, lụt.
Thượng tá Nguyễn Vũ Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, thông tin: Ban CHQS huyện đã huy động 80 lượt CBCS và dân quân, phương tiện, giúp chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục thiệt hại do lũ gây ra; tập trung lực lượng phối hợp với chính quyền tìm kiếm người bị mất tích, đồng thời, giúp nhân dân di chuyển người và tài sản ở những vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân dựng nhà, thu hoạch hoa màu, khắc phục thiệt hại…
Do mưa lớn kéo dài dẫn đến xảy ra hiện tượng sạt lở trên các tuyến giao thông. Để bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường bị hư hỏng, ngập, chia cắt, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên tuyến (đảm bảo giao thông bước 1); bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu..., để đảm bảo an toàn.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi mưa lũ cũng được quan tâm, huyện đã chỉ đạo ngành Y tế bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, tập trung cứu chữa những người bị thương. Phối hợp triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút; chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ; hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.
Chính quyền địa phương đã xã hội hóa, huy động sự ủng hộ, cứu trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ về kinh tế cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Với tinh thần khẩn trương giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Mường La tiếp tục phát huy đoàn kết, giúp đỡ nhau, vượt khó, huy động các nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!