Trên địa bàn huyện Mường La hiện nay có trên 33.700 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó, có 265 trẻ không may mắn bị khuyết tật; 1.640 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mường La đã đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn”; tổ chức cho các em học sinh tham gia phong trào “Nói lời hay - làm việc tốt” gắn với các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức theo cuộc vận động “Thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”...
Công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ được quan tâm, các chương trình chăm sóc, tiêm chủng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai hiệu quả. Hiện nay, trên 100% số trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 100% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đủ 6 loại vắc xin phòng một số bệnh nguy hiểm và 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn dưới 8%; 100% số trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi…
Ông Phạm Đức Huynh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường La, cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tặng trên 400 suất quà cho trẻ em trên địa bàn, cùng đồ dùng học tập, quần áo với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ được huyện đặc biệt quan tâm, hằng năm đều tổ chức diễn đàn trẻ em toàn huyện, giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao ý thức kỷ luật…
Đồng thời, đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phúc lợi, sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa; xây dựng câu lạc bộ quyền trẻ em, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn bổ ích cho trẻ em. Đến nay, 15/15 xã, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí đa dạng và phong phú cho trẻ em, như: Hội diễn văn nghệ, ngày hội tuổi thơ làm theo lời Bác, Hội khỏe Phù Đổng, trại hè... được tổ chức. Các xã, thị trấn đều có cán bộ phụ trách công tác trẻ em; phát triển điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong các trường học, bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ ở cả 3 mức độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Cô giáo Cao Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Ít Ong, cho biết: Năm học 2022-2023, trường có 818 học sinh, trong đó có 11 trẻ bị khuyết tật, 135 trẻ trong gia đình cận nghèo và 120 trẻ có gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng các kế hoạch xã hội hóa nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các em học sinh có điều kiện khó khăn, với 26 suất quà dành tặng cho các cháu với tổng số tiền trên 17 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường còn rà soát và làm hồ sơ cho trẻ khuyết tật hưởng chế độ theo quy định.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thăm, tặng quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro, hoạn nạn. Tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em. Xã hội hóa huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em khó khăn; tăng cường giám sát các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ cho trẻ em để cải thiện đời sống và hòa nhập cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!