Mùa măng sặt ở Nặm Păm

Nặm Păm, huyện Mường La, có 67 ha sặt được trồng tập trung ở bản Piệng, bản Ít và bản Pâu, năng suất khoảng 4 tấn măng/ha. Những năm qua, xã đã vận động nhân dân trồng sặt trên diện tích đất lâm nghiệp và trên những diện tích nương ngô, sắn năng suất thấp, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, giúp nhân dân nâng cao thu nhập.

Nhân dân bản Ít, xã Nặm Păm, huyện Mường La thu hoạch măng sặt.

Ông Cà Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm, thông tin: Xã đang xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm măng sặt tham gia chương trình OCOP. Hiện nay, xã đang vận động nhân dân phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích các hộ gia đình liên kết, thành lập hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch măng, dọc tuyến đường từ xã Nặm Păm về trung tâm huyện Mường La có hàng chục điểm bán lẻ măng và 3-4 điểm thu mua măng tươi cho bà con trong xã. Măng được vận chuyển về các chợ đầu mối ở thành phố Sơn La, Hà Nội, Yên Bái, Hòa Bình... để tiêu thụ. Đầu mùa, trung bình mỗi điểm thu mua từ 4-5 tạ măng/ngày, với giá từ 25-30 nghìn đồng/kg; vào giữa vụ có điểm thu mua từ 10 - 15 tấn măng tươi/ngày, với giá 13-15.000 đồng/kg. Ngoài ra, những cây sặt được khai thác theo cách tỉa thưa để bán cho nhân dân trong xã làm hàng rào, với giá khoảng 1.000 đồng/cây, hoặc bà con lấy về làm đồ thủ công.

Chúng tôi cùng ông Lường Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít, lên khu rừng trồng sặt của gia đình. Trước khi lên đường, vợ chồng ông đã chuẩn bị cơm nắm, nước uống, ủng, găng tay, dao, lưỡi thuổng, bao đựng... để phục vụ thu hoạch măng trong ngày. Đi xe máy khoảng 10 phút, chúng tôi để xe lại lán rồi đi bộ vào rừng. Rừng măng của gia đình ông Hặc xa hơn của các hộ gia đình khác, càng sâu trong rừng, đất càng ẩm, cây sặt cũng vì thế mà phát triển tốt hơn. Những cây sặt mọc sát nhau, cao hơn đầu người 2 đến 3 lần. Măng đầu mùa thường mập, cao chừng 10-15cm, chỉ cần dùng thuổng đào nhẹ dưới gốc rồi lấy tay bẻ. Chẳng mấy chốc, chiếc túi đã đầy ắp măng rừng.

Ông Hặc bảo: Trước đây, cây sặt mọc tự nhiên trên rừng, gia đình tôi thường lấy về ăn. Năm 1996, tình cờ tôi đọc trên báo thấy có nơi trồng sặt, lấy măng cho thu nhập cao, nên đã nhân giống ra trồng dưới tán rừng. Đến nay, gia đình tôi đã trồng trên 3 ha sặt, mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn măng tươi, bán cho các điểm thu mua với giá trung bình 15.000 đồng/kg, thu nhập hơn 150 triệu đồng/vụ. Các hộ trong bản thấy sặt sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại thu nhập nên xin giống về trồng trên nương, trồng trong diện tích đất lâm nghiệp, vì thế mà nhiều diện tích đất trống, đồi trọc được phủ xanh. Đến nay, cả bản đã trồng 25 ha sặt và đã cho thu hoạch. Vụ măng sặt bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch.

Cũng ở bản Ít, hơn 1 ha măng sặt của gia đình ông Lò Văn Liêng đang ở thời điểm chính vụ. Nhiều năm qua, măng sặt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu khá ổn định. Từ tháng 2 đến nay, gia đình đã thu hơn 2 tấn măng, thu nhập trên 40 triệu đồng. Ông Liêng chia sẻ: Năm nay, măng sặt được giá, thương lái đến tận bản thu mua, thu đến đâu bán hết đến đó. Măng sặt có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon và hấp dẫn, như: Măng nướng, măng xào, luộc, nấu canh xương...

Về trưa, bà con dân bản tập trung ăn cơm ngay tại bờ suối. Bữa ăn có xôi và măng sặt nướng chấm với “chẳm chéo”. Măng nướng có vị giòn sần sật, ngọt thơm đã cho chúng tôi trải nghiệm thú vị.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới