Chúng tôi về xã Mường Bang, vùng đất cách mạng của huyện Phù Yên năm xưa. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Mường Bang đã và đang đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nỗ lực xây dựng quê hương phát triển.
Tự hào truyền thống cách mạng
Kể với chúng tôi về truyền thống cách mạng của quê hương, đồng chí Phùng Thị Quang, Bí thư Đảng ủy xã, tự hào: Năm 1947, tỉnh Sơn La phát động chiến tranh du kích, phong trào đã lan rộng ở nhiều nơi của châu Phù Yên. Tại Mường Bang, từ đội tự vệ đã phát triển thành đội du kích, với 41 chiến sĩ, do đồng chí Hà Xuân làm chỉ huy, đã lập nhiều chiến công. Tháng 11/1947, một trung đội lính dõng có hai tên Pháp cầm đầu càn vào bản Chùng, đội du kích đã bí mật dùng nỏ, súng kíp, súng trường đánh úp phía sau, tiêu diệt một tên lính Pháp và 4 tên lính dõng, làm 2 tên khác bị thương.
Sau đó, địch phát hiện Châu ủy Phù Yên đóng căn cứ tại Mường Bang nên đã mở hai cuộc tấn công lớn, hai trung đội du kích do Xã đội trưởng Hà Xuân chỉ huy đã bày trận phục kích, tiêu diệt 17 tên địch, bắn bị thương 4 tên. Do thất bại, quân địch bất ngờ tấn công từ hướng Mường Do để đánh úp cơ quan Châu bộ. Do nắm được ý đồ, bộ đội ta đã đón lõng đánh địch từ ngoài căn cứ, chúng tháo chạy đến dốc Cam, vướng mìn do du kích gài, làm 2 tên chết, 2 tên bị thương.
Đến tháng 2/1952, các mũi tấn công của ta đồng loạt nổ súng tấn công đồn bản Cải. Sau 15 phút, ta diệt 38 tên, bắn bị thương 4 tên, bắt sống 4 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang của địch và làm chủ đồn bản Cải, góp phần quan trọng cho giải phóng huyện vào ngày 18/10/1952. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Mường Bang đã góp 856 tấn lương thực; 58 tấn thực phẩm; 146 người tham gia du kích; 69 thanh niên nhập ngũ, 272 lượt dân công phục vụ kháng chiến.
Vượt khó vươn lên
Trở lại Mường Bang lần này, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển kinh tế. Điều đó được minh chứng bằng diện tích cây lâm nghiệp được trồng trên đất dốc bạc màu; cây ăn quả thay thế cây lúa nương, cây ngô năng suất thấp; các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân...
Ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, cho biết: Xã có 9 bản, với trên 1.100 hộ dân. Tranh thủ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, phát triển đường giao thông liên bản, nội bản. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, vận động bà con trồng 50 ha cây tếch trên diện tích đất đồi bạc màu.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 600 hộ được vay vốn ưu đãi, tổng dư nợ trên 30 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhân dân trong xã gieo trồng 100 ha cây lương thực có hạt, năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha; chăm sóc 160 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, trong đó, 30 ha bắt đầu cho thu hoạch trên 100 tấn quả. Khuyến khích nhân dân tận dụng các phiêng bãi để chăn thả gia súc và trồng 20 ha cỏ voi để chủ động thức ăn chăn nuôi với tổng đàn gia súc gần 5.300 con, hơn 18.000 con gia cầm các loại.
Ông Phùng Văn Quy, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sọc, cho biết: Bản đã vận động nhân dân đưa các loại giống lúa mới vào gieo cấy trên 100 ha ruộng, năng suất đạt 5,3 tấn/ha; tận dụng diện tích đất đồi bỏ hoang trồng 10 ha cây lâm nghiệp. Đồng thời, chuyển 15 ha trồng các loại cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng cây ăn quả; trồng 3 ha cỏ voi làm thức ăn cho gần 500 con trâu, bò. Mức sống của người dân trong bản từng bước được nâng lên, với trên 50% số hộ có mức sống từ trung bình trở lên.
Hiện nay, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, các trường học, trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang; con đường từ trung tâm huyện về xã đã được rải nhựa; tuyến đường về các bản được bê tông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản; trên 6 km tuyến mương dẫn nước và 4 công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; 98% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh trật tự được giữ vững.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết chung sức, đồng lòng nỗ lực vươn lên của nhân dân, Mường Bang đang từng ngày đổi mới, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!