Đổi mới hoạt động của các cấp công đoàn

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát thực tiễn, xuất phát từ người lao động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Giọng nữ
Cán bộ CĐCS Công ty cổ phần mía đường Sơn La kiểm tra việc thực hiện xây dựng nội quy lao động.

Để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, hằng năm, các cấp công đoàn luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và củng cố tổ chức công đoàn vững mạnh. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước, chỉ đạo, hướng dẫn cá nhân, tập thể đăng ký danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng các cấp, đăng ký thực hiện các công trình, sản phẩm do Công đoàn đảm nhận, các sáng kiến kinh nghiệm và tham gia thực hiện các đề tài khoa học.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 11 cá nhân thuộc Công đoàn ngành Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và PTNT, Liên đoàn Lao động huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức xét chọn và đề nghị Tổng Liên đoàn biểu dương 1 đồng chí Chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập công đoàn Việt Nam; giới thiệu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương 01 đoàn viên là công nhân lao động trực tiếp tiêu biểu dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”

Đồng chí Thái Thị Mai, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, cho biết: LĐLĐ tỉnh tập trung tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành của người sử dụng lao động để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, tổ chức hội thảo về công tác phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tính đến 1/7/2024, toàn tỉnh có trên 75.000 công nhân, viên chức, người lao động làm công, hưởng lương, trong đó trên 37.000 cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, sự nghiệp giáo dục, y tế... từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và gần 38.000 công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động đối với người lao động. Công đoàn doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng nội quy lao động, đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể và giám sát quá trình thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn quản lý hơn 254 đoàn viên công đoàn, người lao động, trong đó có 89 lao động nữ; sinh hoạt tại 8 tổ công đoàn trực thuộc. Chị Hồ Thị Hảo, công nhân Bộ phận Lò nung, Phân xưởng sản xuất xi măng, cho biết: Thông qua các hình thức sinh hoạt thường kỳ hoặc chuyên đề, công đoàn công ty tổ chức các hoạt động mang tính quần chúng để lắng nghe, tập hợp các ý kiến tham gia, đề xuất các giải pháp quản lý và cơ chế SXKD để lãnh đạo công ty xem xét quyết định bằng các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể. Tiền lương và các chế độ cho công nhân được Ban giám đốc quan tâm, cùng với môi trường làm việc thân thiện và trách nhiệm nên chúng tôi rất yên tâm công tác.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động đã tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các công ty, doanh nghiệp cũng như trong việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp. Thời gian tới, các tổ chức công đoàn cần chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước theo phương châm “các bên cùng được hưởng lợi từ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, thúc đẩy thương lượng, ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhất là công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc giữa tập thể người lao động với chủ sử dụng lao động, giữa người lao động với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và các chế độ chính sách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ, chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng để cập nhật và nâng cao nhận thức cho các thành viên Ban Chỉ đạo và cán bộ công đoàn trong việc tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở tại cơ sở. Tăng cường sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động vào cơ chế tham vấn, đối thoại ba bên giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động, người lao động trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới