Ngày hội hoa đào xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ được tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân, năm mới; đến với ngày hội, du khách được ngắm những cây hoa đào thắm đang bung nở, hòa mình vào không gian văn hóa đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Mông, thưởng thức các đặc sản địa phương.
Mặc dù thời tiết lạnh dưới 8 độ C, sương mù dày đặc nhưng từ sáng sớm đông đảo bà con nhân dân đến từ các bản của xã Lóng Luông đã có mặt tại sân vận động bản Pa Kha để trang trí thêm cho các gian trại, nhóm bếp lửa, đồ xôi, chuẩn bị dụng cụ giã bánh dày. Đến 9 giờ sáng, sương bắt đầu tan dần, những cành đào khoe sắc thắm tại các gian trại dần hiện ra sau lớp sương mỏng, những chõ xôi nóng bốc lên nghi ngút, thơm mùi nếp mới, không gian văn hóa dần sôi động thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đồng chí Giàng A Đùa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Lóng, chia sẻ: Đến với ngày hội hoa Đào năm nay chúng tôi đã chuẩn bị một cây đào phai, thế hoa hình vòm để trang trí ở khu vực cổng trại. Trong gian trại chúng tôi trưng bày vải lanh, bộ trang phục truyền thống, cây khèn, nông cụ sản xuất và các loại rau, củ, quả do bà con nông dân bản trồng. Với mong muốn giới thiệu bản sắc, văn hóa, con người, những thành tựu lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Mông đến với du khách gần xa. Ngày hội còn là dịp để bà con trong bản vui xuân những ngày đầu năm mới, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn kết giữa bà con trong bản.
Hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến trải nghiệm là phần thi giã bánh dày với sự tham gia của 9 đội thi đến từ các bản trong xã. Hòa chung tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả và du khách, là nhịp chày giã bánh của các đội thi. Chỉ sau khoảng 10 phút, những chiếc bánh dày thơm ngon, dẻo, mịn, tròn đầy đã được hoàn thành để trưng bày và truyền tay đến du khách cùng thưởng thức.
Anh Mùa A Cánh, đội thi giã bánh dày bản Pa Kha, chia sẻ: Giã bánh dày phải nhanh, có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính xôi, khó nhấc lên lại mất sức, xôi không mềm nhuyễn. Khi giã, lúc đầu giã nhẹ tay cho xôi quyện và dính; sau đó, phải dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn, có thể đem làm bánh được, giã càng kỹ, bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Đây còn là hoạt động truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trong dịp Tết đến, xuân về.
Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn, như: Kéo co, ném pa pao, nhảy sạp… với sự tham gia của hàng trăm vận động viên đến từ các bản. Mỗi phần thi đều mang đến không khí sôi nổi, hào hứng. Bên cạnh đó, ngày hội còn diễn ra thi ẩm thực, thi văn nghệ. Tại phần thi văn nghệ, mỗi đội trình diễn 3 tiết mục với thể loại ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, đầu tư về cả nội dung, trang phục tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc Mông, nghề truyền thống, tình yêu, ca ngợi quê hương, đất nước. Các hoạt động đã góp phần giới thiệu bức tranh sinh động về cuộc sống, những nét văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Mông ở Lóng Luông với du khách gần xa.
Trải nghiệm không gian văn hóa tại ngày hội, chị Nguyễn Thị Mến du khách đến từ tỉnh Phú Thọ, phấn khởi: Đây là lần đầu tiên tôi cùng bạn bè đến xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, thật may mắn khi đúng dịp xã tổ chức ngày hội hoa đào. Khung cảnh nơi đây rất đẹp, không khí trong lành, được tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông khiến chúng vô cùng ấn tượng và thích thú. Tôi thấy bà con dân tộc nơi đây thân thiện, mến khách, đoàn kết. Chắc chắn, tôi sẽ cùng người thân, bạn bè trở lại đây vào một dịp gần nhất.
Ngày hội hoa đào xã Lóng Luông được tổ chức lần đầu tiên năm 2018 và được duy trì tổ chức hằng năm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông và tôn vinh, quảng bá, giới thiệu nét đẹp cảnh sắc hoa đào xã Lóng Luông, thu hút du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tếnh A Chìa, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, cho biết: Những năm qua, đồng bào dân tộc Mông xã Lóng Luông vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống như các lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ẩm thực. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng đào gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, toàn xã có hơn 500 ha diện tích trồng đào. Cây đào không chỉ mang đến nguồn thu cho bà con từ việc thu hoạch quả, bán cành đào mà còn là địa điểm hấp dẫn lượng khách du lịch đến “check in” lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về. Hằng năm, xã đã tổ chức ngày hội hoa đào với nhiều hoạt động đặc sắc để giới thiệu, quảng bá hình ảnh hoa đào, con người và mảnh đất mang đậm bản sắc dân tộc Mông.
Khung cảnh rộn rã, náo nhiệt, những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu, tất cả đã tạo nên một Ngày hội hoa đào vô cùng độc đáo đối với du khách thập phương với nét văn hóa đặc trưng ít nơi nào có được. Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoa đào của địa phương, ngày hội cũng chính là một trong những hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa các dân tộc của huyện Vân Hồ đến du khách trong và ngoài nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!