Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những ngày này, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu triển khai nhiều hoạt động tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng.
Trung tuần tháng 7, chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện đến thăm, tặng quà một số gia đình thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn. Thăm gia đình thương binh 4/4 Lường Văn Vương, bản Huông, xã Chiềng Ly, trong 7 năm (1968-1975), ông Vương tham gia phục vụ chiến đấu ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào.
Ông Vương cho hay: Chính quyền địa phương và các đoàn thể của xã thường xuyên quan tâm động viên, giúp đỡ gia đình tôi, nhất là các dịp lễ, tết. Năm 2016, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở. Hiện nay, 5 người con của tôi đều có công việc ổn định; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động.
Hiện nay, xã Phổng Lăng đang thực hiện chi trả chế độ trợ cấp cho 8 người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, tổng số tiền hơn 24 triệu đồng/tháng. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể của xã đã quan tâm đời sống của các hộ gia đình người có công để đề xuất kế hoạch giúp đỡ kịp thời khi gặp khó khăn. Các gia đình người có công ở xã luôn phát huy truyền thống cách mạng, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tự lực vượt khó, giúp nhau phát triển kinh tế, gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, 100% các gia đình người có công trên địa bàn xã đều có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống của các hộ dân nơi cư trú.
Thăm, tặng quà gia đình ông Lò Văn Quốc, người nhiễm chất độc hóa học, bản Thái Cóng, xã Phổng Lăng. Tháng 9/1973, ông Quốc nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1977, ông trở ra miền Bắc và được biên chế về Sư đoàn 316 Quân khu 2. Đến năm 1982, ông về Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh. 3 năm sau, ông chuyển công tác về Ban CHQS huyện Thuận Châu. Năm 2002, ông nghỉ hưu theo chế độ và tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phổng Lăng.
Ông Quốc nói: Năm 2005, tôi được cán bộ lao động thương binh xã hướng dẫn làm hồ sơ giám định chất độc hóa học. Căn cứ kết quả giám định, tôi được Nhà nước chi trả chế độ ưu đãi hàng tháng. Không chỉ vậy, vào các ngày lễ, tết được các cấp, các ngành thăm hỏi, động viên.
Toàn huyện có 267 đối tượng chính sách, người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Ông Lò Văn Quyết, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hằng năm, huyện tiến hành rà soát, bổ sung hồ sơ cho các đối tượng chưa được hưởng trợ cấp. Quan tâm các đối tượng người có công cần giúp đỡ. Việc xét duyệt chế độ, chính sách được thực hiện chính xác, đúng đối tượng; quản lý hồ sơ chặt chẽ không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai thường xuyên, đảm bảo chi trả đúng chế độ cho người có công.
6 tháng đầu năm, huyện đã chi trả trợ cấp ưu đãi cho 1.380 lượt người có công, tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng; chi tiền trợ cấp mai táng phí cho 5 đối tượng, gần 87 triệu đồng; thăm, tặng quà tết 2.275 gia đình người có công, với hơn 807 triệu đồng. Chi trả chế độ điều dưỡng cho 21 đối tượng người có công và trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho 32 đối tượng, tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), huyện đã thành lập 13 đoàn đi thăm hỏi, động viên các gia đình người có công với cách mạng ở 29 xã, thị trấn. Cùng với đó, các xã, thị trấn cũng thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công trên địa bàn. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ ngày công lao động sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, tu sửa và dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ, các nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, các khu di tích lịch sử văn hóa. Tối ngày 18/7, huyện tổ chức Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ đèo Pha Đin. Tối 26/7, Huyện đoàn phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Những việc làm cụ thể của huyện Thuận Châu đã góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại. Đồng thời, đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên, nét đẹp truyền thống, nhân văn trong đời sống xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!