Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 3.188 doanh nghiệp và 802 HTX, với tổng số 60.000 lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Thực tế cho thấy, ở doanh nghiệp nào có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả, thì các chính sách về lao động, việc làm được triển khai kịp thời, quyền lợi người lao động được quan tâm.
Bài học từ một công đoàn trong doanh nghiệp
Năm 1998, Nhà máy xi măng Chiềng Sinh chính thức đi vào hoạt động và trở thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn nhất tỉnh vào thời điểm đó. Với công suất thiết kế 10 vạn tấn/năm, Nhà máy đã tạo việc làm cho hơn 300 công nhân, cung ứng xi măng phục vụ các chương trình lớn của tỉnh, như 925, 135, di dân tái định cư các công trình thủy điện.
Sau 10 năm hoạt động, tháng 1/2007, Nhà máy thực hiện cổ phần hóa và chuyển từ trực thuộc tỉnh về trực thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông I, nhằm tạo ra bước đột phá để huy động các nguồn lực đầu tư và phát huy vai trò của người lao động trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất và chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, đầu năm 2008, chỉ sau một năm thực hiện cổ phần hóa, Công ty cổ phần xi măng Chiềng Sinh đứng trước nguy cơ phá sản, hàng trăm công nhân sau nhiều năm gắn bó với nhà máy không có việc làm.
Điều đáng nói là ở giai đoạn khó khăn thì tổ chức Công đoàn Công ty không thực hiện được vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hàng trăm công nhân bị nợ BHXH, hàng chục nữ công nhân sinh con không có chế độ thai sản. Nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Công ty với người lao động được tổ chức, nhưng mọi chế độ vẫn không được giải quyết. Đặc biệt là vai trò giám sát thực hiện các chế độ của công đoàn, các chế độ của người lao động không được công khai.
Bà Nguyễn Thị Hằng, năm nay hơn 50 tuổi, làm công nhân khi Nhà máy xi măng Chiềng Sinh bắt đầu sản xuất, cho chúng tôi xem sổ bảo hiểm xã hội, bà Hằng nói: Giai đoạn từ năm 2009-2014, do Công ty liên tục ngừng hoạt động, công nhân không có việc làm ổn định, nên các chế độ BHXH, thai sản không bảo đảm.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hằng chỉ là 1 trong hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần xi măng Chiềng Sinh cho đến thời điểm này vẫn bị thiệt thòi về chế độ, chính sách theo quy định của Bộ Luật lao động, nguyên nhân do Công đoàn Công ty trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh đã làm việc và gửi văn bản đề nghị nhưng chưa được giải quyết.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên
Công ty Điện lực Sơn La là doanh nghiệp nhà nước, Công đoàn Công ty trực thuộc Công đoàn Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, có 9 công đoàn cơ sở thành viên, với tổng số 886 đoàn viên sinh hoạt tại 65 tổ công đoàn. Trong quá trình hoạt động, Công đoàn luôn bám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, làm tốt vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ông Nguyễn Viết Thông, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Hàng năm, Công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức hội nghị người lao động, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đồng thời, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy chế, quy định của nhà nước, của ngành và đơn vị; nhất là quy chế thanh toán tiền lương, tiền thưởng, chế độ chính sách BHXH, BHYT. Các cấp công đoàn trong Công ty quan tâm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động CNVC-LĐ tích cực tham gia xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Thực hiện vai trò, chức năng, Công đoàn thường xuyên phối hợp với chuyên môn xây dựng phương án và triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất, đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống CNVC-LĐ. Các quy định về chi trả tiền lương, thưởng và phân phối thu nhập khác được xây dựng và điều chỉnh kịp thời trên cơ sở phù hợp với chính sách tiền lương và quy định của Nhà nước, của ngành, đảm bảo công bằng, công khai, phản ánh đúng kết quả lao động, khuyến khích phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức lao động của CNVC-LĐ; điều kiện làm việc của người lao động không ngừng được cải thiện.
Công ty Điện lực Sơn La trao “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, Công đoàn Công ty thường xuyên tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện yên tâm công tác. Đoàn viên Lê Xuân Hòa, công nhân Đội quản lý vận hành khu vực Bắc Yên, gia đình có hai con nhỏ bị bệnh huyết tán bẩm sinh và viêm khớp xương tủy sống, cuối năm 2021, gia đình được hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Nhận sự hỗ trợ, anh Lê Xuân Hòa xúc động: Gia đình được bố mẹ cho mảnh đất 93 m², nhưng do hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của vợ chồng chủ yếu trang trải chữa bệnh cho các con. Được sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức công đoàn, gia đình đã có nhà kiên cố để ở, yên tâm công tác và chữa bệnh cho các cháu.
Còn tại Công ty cổ phần mía đường Sơn La, doanh nghiệp 100% vốn cổ đông, nhưng Công ty luôn quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn hoạt động, thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, năm 2021 được LĐLĐ tỉnh vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu đồng hành cùng tổ chức Công đoàn.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: Ban chấp hành Công đoàn thường xuyên phối hợp với Ban Giám đốc Công ty thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên. CNLĐ được biết, được bàn, được tham gia vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng thang bảng lương, quy chế khen thưởng, quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng quỹ phúc lợi... Nhiều năm qua ở doanh nghiệp không có đơn thư khiếu nại, không có đình công. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả sản xuất kinh doanh ổn định.
Công nhân Công ty cổ phần mía đường Sơn La kiểm tra thiết bị chữa cháy tại khu vực sản xuất.
Cùng với tổ chức đối thoại thường xuyên với người lao động, hàng năm, Công đoàn phối hợp với lãnh đạo Công ty tổ chức Hội nghị người lao động. Tại hội nghị công khai đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các chế độ chính sách liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; công khai mức trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, trích nộp kinh phí công đoàn, nộp BHXH, BHYT, BHTN; khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong lao động sản xuất; bổ sung, sửa đổi, ký kết thỏa ước lao động tập thể... Tính riêng năm 2021, tổng tiền lương thanh toán cho CNLĐ trên 30 tỷ đồng; trả lương tháng 13 hơn 1 tỷ đồng; chi thưởng vượt khoán chỉ tiêu gần 2 tỷ đồng; khen thưởng, lễ tết trên 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, do đặc thù là đơn vị sản xuất công nghiệp, nên công tác an toàn vệ sinh lao động được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Hàng năm, Công ty kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện AT-VSLĐ và quan trắc môi trường lao động. Anh Tòng Văn Thời, công nhân bộ phận nấu đường chia sẻ: Toàn bộ công nhân sản xuất đều được trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân; từng vị trí, khu vực sản xuất đều có phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Hàng năm, Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động, giúp chúng tôi yên tâm sản xuất.
Chị Quàng Thị Hồng, công nhân trạm cân có chồng bị tai nạn mất cả hai tay, gia đình có 3 nhân khẩu chỉ trông chờ vào tiền lương của chị, do vậy không có điều kiện xây dựng nhà ở. Đầu năm nay, chị Hồng được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT để xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Chị Hồng xúc động nói: Nếu không có sự quan tâm của tổ chức công đoàn, không biết đến bao giờ gia đình mới xây dựng được nhà kiên cố để ở.
Công đoàn - chỗ dựa tin cậy của người lao động
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 125 CĐCS khối doanh nghiệp, với tổng số 6.964 đoàn viên, còn 70 doanh nghiệp sử dụng từ 15 lao động trở lên chưa có tổ chức công đoàn. Nhìn chung, đội ngũ công nhân, lao động có ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, thống nhất, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lao động và nội quy của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung ký thỏa ước lao động tập thể năm 2022.
Bà Thái Thị Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Một thực tế cho thấy, ở doanh nghiệp, HTX nào có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả, thì ở đó quyền lợi của công nhân và người lao động được bảo đảm và thực sự yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TU, ngày 11/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công đoàn và xây dựng đội ngũ công nhân, lao động Sơn La, giai đoạn 2017-2022, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện nghị quyết hiệu quả, phù hợp. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động, tạo động lực để CNLĐ tiếp tục khẳng định là lực lượng sản xuất cơ bản, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Tuy nhiên, tổ chức công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò đại diện của người lao động; việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc còn hình thức; việc thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở một số doanh nghiệp chất lượng chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp có từ 15 lao động trở lên chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số công đoàn chưa đổi mới về nội dung, hình thức, phần lớn thời gian công nhân tập trung vào lao động sản xuất. Kiến thức pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động còn hạn chế, nên việc phối hợp, thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp hiệu quả chưa cao. Người sử dụng lao động tại một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho công đoàn tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Ca sản xuất tại Công ty TNHH may Phù Yên.
Bà Thái Thị Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động Trong đó, lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động làm cơ sở xác định nội dung; lấy việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động làm mục tiêu hoạt động. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức công đoàn, làm tốt chức năng giám sát. Đổi mới quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, đẩy mạnh việc thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, HTX theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!