“Tinh thần Tô Hiệu”

Hòa cùng với những đoàn khách đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La những ngày này, dấu ấn của triển lãm ảnh “Tinh thần Tô Hiệu” càng làm bật lên hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (7/3/1944 - 7/3/2022). Những bức ảnh tư liệu gắn trên tường đá rêu phong của nhà tù cùng lời giới thiệu truyền cảm của hướng dẫn viên đưa chúng tôi trở lại một thời kỳ hào hùng của những người tù cộng sản năm xưa.

Ngược dòng lịch sử

Trên bức tường dọc đường Rông tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, được dựng những tấm pano cỡ lớn trưng bày, giới thiệu 100 bức ảnh về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các thời kỳ. Những bức ảnh ghi lại và tô sáng bản lĩnh chính trị kiên cường, phẩm chất cách mạng trong sáng, chí công vô tư, tinh thần hy sinh quên mình vì lợi ích cách mạng, luôn gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào là tính cách nổi trội con người liệt sĩ Tô Hiệu.

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho ĐVTN.

Ngược dòng lịch sử, năm 1908, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Ban đầu Nhà tù rộng khoảng 500 m². Năm 1930, hòng dập tắt phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp 3 lần xây dựng và mở rộng nhà tù lên tới hơn 2.000 m². Đến năm 1940, Nhà tù Sơn La được chuyển thành Nhà ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ cộng sản.

Nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với công việc thuyết minh viên tại Di quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, chị Nguyễn Ngọc Tú, thông tin: Thời Pháp thuộc, cứ mỗi lần nhắc đến Sơn La là người ta thường gắn với cụm từ “rừng thiêng, nước độc”. Hồi đó, không riêng gì người tù mà cả những người dân nơi đây thường mắc các căn bệnh thương hàn, sốt rét. Thực dân Pháp lợi dụng sự khắc nghiệt về thời tiết, dịch bệnh làm vũ khí để giết dần, giết mòn tù nhân. Nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy đã viết trong những ngày bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La “Lại đến Sơn La lại núi rừng; Nằm trên đỉnh núi mà như bưng; Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ; Thăm thẳm hầm giam, sâu mấy tầng; Tháng tháng cơm sôi đau cả bụng; Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng”.

Với chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng những người cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, sau những bức tường đá lạnh lẽo là những viên gạch hồng của tình đồng chí. Những người cộng sản đã biến đêm đen thành những tia sáng cách mạng, tiếp lửa cho đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26/8/1945.

Dừng chân bên gốc đào Tô Hiệu, được người chiến sỹ cộng sản trung kiên ươm mầm sống từ những năm 1940, như một nhân chứng lịch sử về tinh thần lạc quan, kiên cường, dũng cảm, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của người Anh hùng liệt sỹ. Đầu tháng 3, cây đào đã nẩy chồi non xanh mởn, nhưng vẫn còn điểm những bông hoa đào hồng thắm. Chị Tú tiếp tục thuyết minh: Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước. Tô Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Năm 1930, ông bị giặc bắt. Sau khi bị kết án 4 năm tù, ông bị đày ra Côn Đảo. Ra tù, Tô Hiệu tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lại vào tháng 12/1939. Sau đó giặc đưa ông lên Nhà tù Sơn La giam cầm.

Nhà tù Sơn La khi đó có 49 buồng giam, chỉ có riêng đồng chí Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam một mình một buồng gian chéo góc của Nhà tù Sơn La. Nhưng dù khổ sai, biệt lập và bị ảnh hưởng bởi điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ, nhưng Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La - “Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ, cảm tình sau đó tham gia cách mạng. Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La lúc 32 tuổi.

Trong gông cùm, xiềng xích, hay những phòng giam được phục chế, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ một cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu. Trải qua những trận đánh phá bằng bom của thực dân Pháp năm 1952 và đế quốc Mỹ năm 1965 nhằm xóa dấu vết tội ác, Nhà tù Sơn La bị phá hủy gần hết, nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào Tô Hiệu vẫn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những chiến sĩ cộng sản trung kiên.

Địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng

Nhà tù Sơn La là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích quốc gia. Năm 2015, Nhà tù Sơn La được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những điểm tham quan lịch sử ý nghĩa và là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc.

Đứng dưới cây đào Tô Hiệu, đoàn viên Phan Trung Thành, tổ 7, phường Tô Hiệu, Thành phố, xúc động: Với thế hệ trẻ chúng tôi, mỗi dịp đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, là một lần hồi tưởng lại công cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc của các chiến sỹ cộng sản trung kiên. Đồng thời, từ đó nhắc nhở bản thân mình và các thế hệ trẻ hãy sống, làm việc, học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ ông cha.

Còn đoàn viên Lê Hồng Nhung, phường Quyết Thắng, bùi ngùi: Nhìn những hiện vật lịch sử tái hiện lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp khi giam giữ các chiến sĩ hoạt động cách mạng, tôi rất xúc động và cảm phục ý chí vượt qua gian khổ của thế hệ ông cha đã kiên cường đấu tranh, giành lại độc lập cho đất nước. Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, tự hứa sẽ nỗ lực phấn đấu học tập tốt, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Bức tượng đồng chí Tô Hiệu tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Đồng chí Vi Tuấn Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, thông tin: Tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn đồng chí Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam, kỷ niệm 110 năm sinh (1912-2022) và 78 năm ngày mất của đồng chí Tô Hiệu (7/3/1944-7/3/2022), Tỉnh đoàn đã tổ chức tuần sinh hoạt chính trị theo chủ đề “Tinh thần Tô Hiệu”; “Sáng mãi tinh thần Nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu”; xây dựng bản đồ số giới thiệu thân thế, sự nghiệp cách mạnh và cuộc đời đồng chí Tô Hiệu. Đồng thời, tổ chức kết nạp 110 đoàn viên tại địa chỉ đỏ Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là một biểu tượng, khẳng định ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn, tiếp sức cho các thế hệ trên con đường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. Cây đào Tô Hiệu luôn xanh tươi thể hiện ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, cũng như ý chí quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sơn La nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua xây dựng tỉnh nhà.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới