Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp tháp tùng Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La thăm và làm việc tại một số tỉnh phía Bắc, nước CHDCND Lào. Chuyến đi này không chỉ giúp chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm hữu nghị đặc biệt son sắt, thủy chung giữa hai nước Việt Nam - Lào, giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, mà còn để lại những ấn tượng sâu sắc bởi những nét văn hóa đặc sắc của đất nước Triệu Voi.
Một góc trung tâm tỉnh Phông Sa Lỳ, nước CHDCND Lào.
Ẩm thực phong phú
Từ cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên, chúng tôi qua cửa khẩu Pang Hốc, tỉnh Phông Sa Lỳ, nước CHDCND Lào, bắt đầu hành trình trên đất nước Triệu Voi. Cung đường dài khúc khuỷu xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh kéo dài, những cánh đồng lúa xanh tốt và thấp thoáng những mái nhà rất đặc trưng của người Lào, khiến ai trong đoàn cũng háo hức.
Bữa cơm trưa đầu tiên trên đất nước Lào tại ngã ba Pác Nặm Nọi, tỉnh Phông Sa Lỳ, nằm sát dòng sông Nậm Hu yên bình, thơ mộng. Sau quãng đường khá dài, ai trong đoàn cũng háo hức thưởng thức ẩm thực của nước bạn. Trên mâm cỗ có nhiều món ăn ngon, độc đáo và lạ miệng, với vị thơm dẻo xôi nếp ăn với thịt lợn khô, vị cay ngọt hấp dẫn của món lạp, đặc biệt là các món ăn chế biến từ cá lăng với món nướng, nộm, canh cá mang với nhiều loại gia vị kết hợp rất lạ; cùng các loại rau chấm với cheo Lào.
Đón chúng tôi, anh Bun Nheng - Học Lư Tho, chuyên viên Sở Ngoại vụ tỉnh Phông Sa Ly, nói tiếng Việt rất giỏi vì nhiều năm học tập ở Việt Nam, giới thiệu: Cá lăng được người dân đánh bắt ngay tại dòng Nậm Hu nên rất thơm và chắc thịt. Thưởng thức các món ăn, anh chị có thể thấy điểm đặc trưng trong các món của người Lào đều có vị cay của ớt, giúp người ăn cảm thấy ngon miệng và món ăn cũng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Anh Bun Nheng - Học Lư Tho còn giới thiệu cho chúng tôi một số món đặc trưng của người Lào, như món lạp. Đây là món ăn phổ biến, được làm với ý nghĩa như sự chúc phúc của gia chủ gửi tới khách quý. Nguyên liệu làm món ăn này có thể dùng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt... trộn với gia vị tạo nên mùi thơm cực kỳ hấp dẫn. Vị chua của nước cốt chanh, vị cay của ớt, vị thơm của gia vị... mang đến cho người ăn cảm giác khó quên. Món mắm cá và mắm cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, hành củ... là thứ không thể thiếu trong mâm cơm của người Lào.
Điểm dễ nhận thấy, trong bữa cơm của người Lào, mỗi người đều có một ếp xôi riêng, xôi thơm dẻo ăn với thịt khô, cá nướng hay đơn giản chỉ chấm với cheo ăn rất ngon. Người Lào thường sử dụng cơm nếp trong các bữa ăn của mình thay vì cơm tẻ như các quốc gia láng giềng của mình, họ cho rằng, việc ăn cơm nếp sẽ giúp no lâu hơn và tràn đầy năng lượng để làm việc hiệu quả.
Thưởng thức một số món ăn tiêu biểu của người Lào có thể thấy, đó là sự trung hòa giữa vị cay và ngọt, thêm gia vị từ thảo mộc, tạo thành một hương vị đặc biệt riêng có của đất nước Lào. Đa dạng và phong phú với các món nướng, món trộn, món rau, tuy không cầu kỳ, thật bình dị và đơn giản, mộc mạc như chính người dân nơi đây, nhưng khi được thưởng thức, lại rất ngon, lạ miệng, luôn hấp dẫn du khách khi có dịp đến với đất nước Triệu Voi.
Sau bữa trưa trên đất Lào, chúng tôi tiếp tục hành trình gần 4 giờ đồng hồ để đến trung tâm tỉnh Phông Sa Lỳ. Khung cảnh nơi đây vào buổi chiều đẹp và bình yên, không khí trong lành, dễ chịu, cùng với đó là tình cảm ấm áp của lãnh đạo và người dân Phông Sa Lỳ dành cho đoàn như những người bạn thân thiết lâu ngày trở lại. Trong thời gian ở đây, chúng tôi còn được tham gia nghi lễ rất đặc biệt là Lễ buộc chỉ cổ tay, một nghi lễ truyền thống có từ rất lâu đời của người Lào.
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La và tỉnh Phông Sa Lỳ dự lễ buộc chỉ cổ tay.
Ông Khăm Phết - Chít Păn Nha, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phông Sa Lỳ, thông tin: Lễ buộc chỉ cổ tay hay còn gọi là lễ “Sou khoẳn” là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Lào với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ. Lễ buộc chỉ cổ tay thường được người Lào tổ chức trong các dịp quan trọng, như: Bunpimay (tết Lào), lễ cưới hỏi, ma chay, lễ tân gia, đón khách quý đến thăm nhà,...
Lễ buộc chỉ cổ tay gồm 2 phần chính là nghi thức cúng và nghi thức buộc chỉ. Nghi lễ được tổ chức ở nơi trang trọng nhất trong nhà, cơ quan. Tham gia lễ buộc chỉ cổ tay tại tỉnh Luông Nậm Thà, tôi được ông Tông Lỳ - Nhia Xênh, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Luông Nậm Thà buộc chỉ cổ tay với lời chúc mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc. Ông Tông Lỳ - Nhia Xênh chia sẻ thêm: Người chủ trì nghi lễ thường là thầy cúng, nhà sư, các bậc cao niên có uy tín trong dòng tộc, dòng họ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Đối với mâm lễ cúng, quan trọng nhất là tháp chỉ, các sợi chỉ được buộc vào mâm cúng và đủ dài để người dự lễ có thể nắm được, xung quanh tháp chỉ có thể trang trí hoa, trên đỉnh cắm một cây nến; lễ vật cúng gồm trứng luộc, thịt lợn, nước, cơm nếp, bánh kẹo, tiền...
Nghi thức buộc chỉ cổ tay của người Lào.
Tất cả những người tham dự sẽ ngồi xung quanh mâm cúng, khi tiến hành lễ, mỗi người tham dự sẽ dùng ngón cái của bàn tay trái kẹp một phần của sợi chỉ và truyền phần còn lại cho những người ngồi sau cứ thế kéo dài cho đến bao giờ hết sợi chỉ mới thôi. Ðến giờ lành, thầy cúng sẽ châm cây nến trên đỉnh của mâm lễ và bắt đầu bài khấn, mọi người ngồi xung quanh mâm cúng, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm, những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện của thầy cúng tới tất cả các thành viên. Khi cúng xong, thầy cúng cầm cuộn chỉ đã được chia thành nhiều đoạn buộc chỉ, đọc lời cầu phúc cho mọi người và phân phát cho người lớn, người cao tuổi để tiến hành buộc chỉ cổ tay cầu phúc, cầu an cho các con, cháu và khách tham dự lễ. Những người khác cũng lấy chỉ trên mâm cúng và buộc cho nhau để cầu phúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc.
Trải qua nhiều thế kỷ, người dân Lào vẫn giữ nguyên vẹn lễ buộc chỉ cổ tay vào các dịp quan trọng và các sự kiện trọng đại. Phong tục buộc chỉ cổ tay của người Lào không chỉ độc đáo, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, khiến người được buộc chỉ cảm thấy bình an, hạnh phúc và phấn khởi hơn trong cuộc sống. Lễ buộc chỉ cổ tay đã và đang được người Lào bảo tồn, giữ gìn và phát huy, nhất là trong thời kỳ hội nhập văn hóa như hiện nay.
Say đắm điệu lăm vông
Ở Sơn La tôi đã được biết và tham gia vào điệu lăm vông cùng các bạn lưu học sinh Lào học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Chuyến đi này đến các tỉnh Bắc Lào, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về điệu múa truyền thống này. Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Trong bất cứ buổi tiệc, bất cứ lễ hội nào cũng đều có điệu múa nhịp nhàng, dẻo dai này, tạo sự gắn kết đối với những người tham gia.
Điệu múa lăm vông truyền thống của người Lào.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi đến các tỉnh Bắc Lào, chúng tôi đều được tham gia vào điệu múa đặc biệt này. Lăm vông là một điệu múa mang tính cởi mở, ai cũng có thể múa được. Không quan trọng chủ hay khách, múa có đẹp, có dẻo hay không mà quan trọng nhất là niềm vui của tất cả mọi người cùng tham gia. Hòa trong điệu múa lăm vông tôi cảm nhận rõ hơn người Lào rất thân thiện và mến khách.
Chị Am Phay Von, Chánh văn phòng Tỉnh ủy U Đôm Xay, người nhiều năm học tập tại Việt Nam, nhiều lần đến với Sơn La nên khá hiểu về văn hóa Việt Nam, chia sẻ: Nếu người dân vùng Tây Bắc của Việt Nam được biết đến với điệu múa xòe truyền thống, thì người Lào được biết đến với điệu múa lăm vông, gắn liền với sinh hoạt đời thường nên người Lào ai cũng biết múa lăm vông từ khi còn bé. Điệu lăm vông nhìn nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, nhưng cần sự mềm dẻo của cơ thể, đôi bàn tay và uyển chuyển của bàn chân theo nhịp bước.
Bà Sụ Đa Phon - Khôm Thạ Vông, Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Luông Pha Bang, giới thiệu thêm: Đối với phụ nữ, khi múa lăm vông động tác là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi, cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người. Tùy vào năng khiếu của mỗi người khi thể hiện điệu múa trong mỗi bài hát có những tư thế xoay, tiến, lùi khác nhau nên vòng múa lăm vông rất đa dạng tư thế múa. Đối với nam giới thường đi chậm, nhịp nhàng từng động tác theo tiếng nhạc để phù hợp với đối phương hoặc vòng tròn lăm vông.
Múa lăm vông đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của dân tộc Lào, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của những thiếu nữ dân tộc Lào, tạo nên những ấn tượng khó quên khi du khách có dịp đến với đất nước Lào xinh đẹp và mến khách.
(còn nữa)
Quàng Hưởng - Việt Anh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!