Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - Biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường • Kỳ 2: Những cuộc đấu tranh dưới xà lim ngầm

Trong đợt mở rộng diện tích nhà tù năm 1930, thực dân Pháp đã cho xây dựng khu xà lim ngầm sâu trong lòng đất là 3,5m, với diện tích 110m², có 5 xà lim cá nhân, 2 xà lim tập thể, một phòng hỏi cung. Trong xà lim ngầm còn có một phòng giam tối, không có ô cửa sổ thông hơi lên mặt đất, có thể giam 4-5 tù nhân chính trị, sàn nằm có gắn cùm chân tập thể, một hốc nhỏ để bô đựng phân, bên trên để cơm và nước.

Du khách thăm quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Mỗi khi cánh cửa sắt khép lại, phòng giam sẽ trở thành một hộp kín, không phân biệt được ngày hay đêm. Trong xà lim ngầm đã diễn ra rất nhiều cuộc đấu tranh của tù nhân chính trị, tạo nên những đợt sóng ngầm, chống lại chế độ hà khắc của nhà tù.

 

Cuộc đấu tranh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tổ chức đấu tranh để tù nhân được làm chủ nhà bếp nấu ăn và tủ thuốc trong nhà tù, nhằm chủ động việc chăm sóc sức khỏe cho anh em tù nhân, nhưng giám ngục không đồng ý, nên phạt giam đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số tù nhân dưới hầm tối. Trong cuốn “Tiểu sử Nguyễn Lương Bằng” (trang 93-95) ghi lại: Nguyễn Lương Bằng lấy vỏ hộp sữa bò, cho nước vào trong, rồi lấy 1 miếng sắt tây đã mài sắc rạch 10 đầu ngón tay cho máu chảy vào lon, để sẵn bên chỗ nằm. Sau đó đồng chí lấy máu viết khẩu hiệu lên tường: “Đả đảo chế độ hà khắc của nhà tù/Cách mạng thành công muôn năm”.

Chờ lính đưa cơm đến, trước khi hắn mở cửa, Nguyễn Lương Bằng rạch lưỡi mình, ngậm thêm máu trong lon rồi nằm thẳng người cho máu trào ra 2 bên miệng, thấm đỏ cả cổ áo. Tên lính thấy thế hốt hoảng chạy lên báo cáo với giám ngục có người tự tử. Chúng cho bác sĩ xuống khám. Viên bác sĩ là người có cảm tình với ông Nguyễn Lương Bằng từ trước nên chỉ khám qua loa rồi yêu cầm giám ngục phải cho tù nhân lên khỏi xà lim ngầm. Cùng lúc, tù nhân ở trên hầm cũng tuyệt thực ủng hộ việc đấu tranh của ông Nguyễn Lương Bằng. Giám ngục hốt hoảng ra lệnh đưa ông Nguyễn Lương Bằng và những người tù khác ra khỏi hầm.

12 ngày đêm dưới xà lim ngầm

Ngày 13/5/1941, Công sứ Cút - xô muốn buộc tù nhân phải làm cật lực, không nghỉ để tăng số chuyến xe nước lên, anh em tù nhân phản đối, làm cầm chừng. Một buổi chiều, Cút - xô sai giám binh đi kèm để theo dõi cho đến hết giờ mà số chuyến vẫn không tăng lên. Ngay lập tức, hắn lệnh tống giam một số anh em đi xe nước xuống xà lim. Đồng chí Trần Đình Long (sau này phụ trách công tác đối ngoại trong Chính phủ lâm thời) đã đứng lên tuyên bố với giám ngục: “Chúng tôi tuyệt thực và không đi làm để phản đối ông Công sứ đánh đập, bắt giam hầm Cát xô mấy người xe nước một cách vô lý”.

Được tin tù chính trị đấu tranh tuyệt thực, Cút - xô lập tức ra lệnh cho bọn lính súng ống sẵn sàng, lưỡi lê tuốt trần. Mở cửa xông thẳng vào trại, chúng dồn mọi người xuống hầm ngầm và ra lệnh “Không để lọt một hạt cơm, giọt nước vào hầm ngầm. Nếu ai trái lệnh sẽ bị bắn ngay!”. Hắn còn hăm dọa sẽ lấy gạch xây lấp cửa hầm.

Sự việc xảy ra hoàn toàn khác với dự kiến, các tù nhân chỉ tuyên bố nhịn ăn, nhưng kẻ địch bắt nhịn uống và giam chặt dưới hầm sâu, thiếu không khí với số lượng tù nhân là 156 người. Căn hầm chật hẹp, ẩm thấp, ngột ngạt chỉ có 6 lỗ cửa nhỏ trông lên mặt đất, không khí vốn đã thiếu lại thêm hơi người càng ngột ngạt, khó thở. Dưới xà lim, tại cửa ra vào, bọn cai ngục đặt 1 thùng đựng phân, “...thùng phân đó được giao cho 1 đồng chí làm công tác vệ sinh, đồng chí nào có nhu cầu sẽ đi vào ống bơ, ống bương truyền tay nhau ra đổ vào thùng đựng phân đó... Tuy nhiên đến ngày thứ 3, thùng đựng phân đầy và tràn ra ngoài sinh ra giòi bọ, chúng tôi nằm chỉ cần trở mình cũng nghe tiếng nổ lép bép của những con giòi bọ trắng, thậm chí nó còn bò vào tai, mắt, mũi...”, một cựu tù chính trị đã kể lại trong cuốn hồi ký của mình như vậy.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng tỉnh Sơn La), thông tin thêm: Theo tư liệu chúng tôi tìm hiểu và thu thập được, trong 3 ngày đầu, tù nhân không được một giọt nước, một hạt cơm nào cả vì nóng, đói, khát, các đồng chí thậm chí đã phải dùng đến nước tiểu của mình để uống, trong hầm tối thiếu ánh sáng và không khí nên sức khỏe anh em giảm sút rất nhiều. Trước tình hình đó, đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Chi bộ nhà tù đã tranh thủ cảm hoá được một số binh lính khố xanh (lính khố xanh đều là người đồng bào dân tộc ở Sơn La; thực dân Pháp dùng hình thức “dùng người Việt để trị người Việt’’), trong hai đêm đó, một người lính gác đã bí mật tiếp tế nước bằng cách bí mật múc nước tại bể theo lối cửa chính xuống cho tù nhân, các đồng chí dồn hết những ống bơ để đựng nước, phải dùng chính quần áo lâu ngày không giặt của mình thấm nước để vắt chia nhau từng giọt nước...

Đến ngày thứ 7, sức lực anh em tù nhân đã giảm sút nghiêm trọng nên Chi bộ đã bàn bạc quyết định tạm dừng cuộc đấu tranh, chúng muốn một đồng chí đứng ra viết thư hàng vô điều kiện, nhưng chúng vẫn phạt giam thêm 5 ngày nữa ở dưới xà lim ngầm và ra lệnh cho lính lấy nước bẩn chảy từ trên đồi xuống cho tù nhân uống, đưa cơm cứng xuống cho tù nhân ăn với âm mưu để tù nhân thiệt mạng vì bệnh đường ruột. Sau 12 ngày đêm, thực dân Pháp mới thả các tù nhân chính trị ra khỏi xà lim. Qua nhiều ngày bị giam cầm trong hầm tối, sức khỏe các đồng chí suy kiệt, có đồng chí ngã gục, không thể bước tiếp được nữa. Sự ác độc tàn bạo của kẻ thù càng nung nấu thêm lòng căm thù, quyết tâm đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân đến cùng của những người cộng sản.

(Còn nữa)

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới