Để hương chè Shan tuyết Mộc Châu bay xa

Cây chè Shan tuyết được trồng từ nhiều năm trước trên cao nguyên Mộc Châu, hiện nay vẫn còn hàng nghìn cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch. Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao từ 900 đến 1050m so với mặt nước biển, với điều kiện về nhiệt độ trung bình vào khoảng 18,5oC, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn, đất trồng chè là loại đất đỏ vàng trên đá sét biến chất - những yếu tố trên đã góp phần cho cây chè Shan tuyết ở Mộc Châu phát triển tốt, búp chè tích lũy được hương thơm đặc trưng, hàm lượng các chất hòa tan trong búp chè cao hơn so với các loại chè Shan tuyết trồng ở nơi khác.

 

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương sơ chế chè.

 

Chỉ dẫn địa lý đối với chè Shan tuyết Mộc Châu

 

Năm 2010, Chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết. Khu vực địa lý được bảo hộ bao gồm 7 xã của huyện Mộc Châu và 6 xã của huyện Vân Hồ. Khi chè Shan tuyết chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý, ít người biết đến sản phẩm chè Mộc Châu nên giá bán cũng như giá trị sản phẩm đem lại thấp. Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý, giá thu mua chè búp tươi tăng 15-20%; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu tại thị trường trong nước cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với trước. Sở Khoa học & Công nghệ Sơn La và các cơ quan chức năng đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai áp dụng mô hình quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè. Cùng với đó, các địa phương đã thiết lập được một số công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý; xây dựng và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè Shan tuyết; xây dựng và vận hành quy chế kiểm soát chất lượng, sử dụng nhãn mác cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong nước.

 

Phần lớn chè Shan tuyết Mộc Châu xuất khẩu thô

                           

Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu của các đơn vị tiêu thụ tại thị trường trong nước đã sử dụng tem nhãn về chỉ dẫn địa lý theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La. Tuy nhiên, 5 năm sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đến nay 90% sản lượng sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu vẫn phải xuất khẩu dưới dạng đóng bao to, không có nhãn mác. Nguyên nhân là do sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, đặc biệt là đối với các nước ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với các doanh nghiệp nước ta, dẫn đến việc các công ty nước ngoài mua chè Shan tuyết Mộc Châu về đấu trộn và chuyển thành thương hiệu khác, nên thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu chưa được người tiêu dùng ngoài nước biết đến. Ngay như Công ty Chè Mộc Châu là đơn vị thành viên sản xuất chè quy mô lớn nhất của Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu, nhưng lại trực thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam, nên không được ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp. Phần lớn sản phẩm chè Công ty sản xuất ra đều chuyển về Tổng công ty Chè Việt Nam rồi xuất khẩu chung với sản phẩm của các công ty khác. Bởi vậy, giá chè xuất khẩu của Công ty Chè Mộc Châu thường thấp hơn 6.000-9.000 đồng/kg so với các đơn vị được ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Công ty và người sản xuất.

Bên cạnh đó, các văn bản quy định về quản lý, sử dụng và phát triển sản phẩm chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý  Mộc Châu chưa hoàn thiện và đồng bộ; việc sử dụng tem nhãn trên bao bì sản phẩm còn hạn chế; một số cở sở, cá nhân đã in bao bì đóng gói sản phẩm chè của đơn vị mình là “Chè Shan tuyết sản xuất tại Mộc Châu” dẫn đến sự nhầm lẫn của khách hàng và người tiêu dùng về sản phẩm chè Shan tuyết đủ điều kiện được cấp chỉ dẫn địa lý Mộc Châu.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu

 

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng nông sản của Việt Nam. Để phát huy giá trị thương mại của chỉ dẫn địa lý đối với chè Shan tuyết Mộc Châu rất cần sự chung tay của chính quyền, các doanh nghiệp và người dân. Các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các sản phẩm chè bán nhưng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hoặc những sản phẩm trên bao bì có in nhãn mác “Chè Shan tuyết sản xuất tại Mộc Châu”, tránh việc khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm được bảo hộ về “Chỉ dẫn địa lý” với các sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường. Tỉnh ta cần sớm ban hành hệ thống các văn bản pháp lý về quản lý, phát triển sản phẩm chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu và các đơn vị thành viên của Hội triển khai các nội dung về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu ra thị trường Thái Lan và các nước tiểu vùng sông Mê Kông cũng như các nước EU, từng bước đưa thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu vươn ra thị trường nước ngoài, khẳng định thương hiệu và chất lượng của chè Shan tuyết Mộc Châu.

 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới