Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Đánh giá phát triển cây trồng, vật nuôi trên cao nguyên Mộc Châu

Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp; một số sản phẩm chủ lực quan trọng đã khẳng định được thương hiệu, như: Chè, bò sữa, rau, quả... Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các loại dịch bệnh, giá cả của nhiều vật tư phục vụ sản xuất tăng cao..., làm cho sản xuất nông nghiệp của địa phương gặp không ít khó khăn.

Nhóm thực hiện đề tài khảo sát trồng chè trên cao nguyên Mộc Châu.

Với mục tiêu luận giải các cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn về đánh giá hiệu quả sản xuất nông nghiệp; phân tích thực trạng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đánh giá hiệu quả, thế mạnh của một số cây trồng, vật nuôi, nhằm đưa ra những đề xuất định hướng, giải pháp cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên cao nguyên Mộc Châu, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình UBND tỉnh phê duyệt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi trên cao nguyên Mộc Châu và đề xuất định hướng giải pháp cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn” (Đề tài do tiến sỹ Mai Thị Thủy làm chủ nhiệm).

Đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình phát triển cây trồng, vật nuôi tại các xã Phiêng Luông, Tân Lập, Mường Sang, thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) và 4 xã: Vân Hồ, Tô Múa, Liên Hòa, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ); thông qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp các hộ nông dân, HTX, người thu gom, thương lái, doanh nghiệp và cán bộ chuyên môn, nhằm đánh giá hiệu quả của cây trồng vật nuôi trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; rủi ro trong trồng trọt chăn nuôi và những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ của các loại cây trồng, vật nuôi. Qua điều tra khảo sát cho thấy, việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi trên cao nguyên Mộc Châu nhìn chung đã đi đúng hướng, phát triển đa dạng; diện tích cây ăn quả có xu hướng tăng, tập trung vào các giống cây có giá trị xuất khẩu, như: Chanh leo, bơ, xoài và các loại cây có múi: Cam, bưởi, quýt..., đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, thương hiệu các sản phẩm nông sản Mộc Châu đang ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin dùng; một số sản phẩm nông sản đã tạo dựng được thương hiệu, như: Bơ Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, hồng giòn, mận, mơ... Đồng thời, phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường từ các loại vật nuôi chủ lực như bò sữa, bò thịt, lợn, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên cao nguyên Mộc Châu cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại lợi nhuận cao cho người dân, nhiều hộ gia đình thu vài trăm triệu một năm từ nuôi bò sữa; nuôi trồng thủy sản cũng đạt hiệu quả cao, chi phí đầu tư thấp, đây được xem là hướng đi triển vọng. Ngoài ra, các mô hình nuôi lợn sạch, nuôi gà thả vườn phục vụ hoạt động du lịch cũng đang là hướng đi hiệu quả.

Bên cạnh đó, Mộc Châu vẫn còn gặp những khó khăn đối với thị trường tiêu thụ, chưa có nhà máy chế biến cũng như bảo quản nông sản, tình trạng trồng tự phát tập trung vào một vài loại cây trồng dẫn đến được mùa mất giá... Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, chia sẻ: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, nhất là những đợt mưa rét, nắng hạn kéo dài. Trong năm 2018, trên địa bàn xảy ra 2 đợt mưa đá, gây thiệt hại khoảng 1.000 ha cây trồng các loại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Qua đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường của nhóm cây trồng, vật nuôi và phân tích điểm mạnh điểm yếu, cơ hội, thách thức của từng nhóm cây trồng, vật nuôi, nhóm thực hiện Đề tài đã đề xuất 9 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; quản lý giống cây trồng, vật nuôi; nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, thị trường, tín dụng, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và nhóm giải pháp cho từng nhóm cây trồng vật nuôi cụ thể. Tiến sỹ Mai Thị Thủy, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu: Dựa trên những nghiên cứu và kết quả thảo luận của tỉnh, của huyện, nhóm thực hiện đề tài nhận thấy những thuận lợi trong phát triển trồng trọt trên cao nguyên Mộc Châu và từ đó đánh giá những hạn chế, đưa ra được các giải pháp như là cần phát triển thị trường, thị trường tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần phải chú trọng để việc phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đặc biệt là phát triển các loại rau an toàn.

Các giải pháp mà đề tài đưa ra nhằm định hướng phát triển cây trồng vật nuôi trên cao nguyên Mộc Châu phát triển một cách bền vững, phát triển kinh tế xã hội gắn với an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng cũng như bảo về môi trường. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế của vùng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhà quản lý trong quy hoạch, hỗ trợ, định hướng sản xuất, quản lý quy trình sản xuất từ khâu đầu vào, giống, sản xuất đến thu hoạch và tiêu thụ; thúc đẩy liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từng bước hướng tới xuất khẩu cây trồng, vật nuôi phát triển một cách bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới