Cuộc sống mới trên bản Kè Tèo

Từ trung tâm huyện Mộc Châu, vượt chặng đường hơn 50 km, chúng tôi đến Kè Tèo, xã Nà Mường (Mộc Châu). Cái tên “Kè Tèo” nghe thật lạ, theo những người cao tuổi sống ở bản: Kè Tèo là tên một loại quả có vị thơm, ngon, đã giúp cho những người dân nơi đây vượt qua nạn đói của những năm mất mùa. Vì vậy, người dân đã lấy quả Kè Tèo đặt cho tên bản.

 

Các tuyến đường của bản Kè Tèo được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.

Đi trên con đường bê tông sạch, đẹp, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Kếu, trưởng bản Kè Tèo, dẫn chúng tôi đi thăm bản, ông Kếu giới thiệu: Bản Kè Tèo hiện có 149 hộ, 628 nhân khẩu với 3 dân tộc: Mường, Thái, Kinh cùng sinh sống. Những năm qua, nhân dân trong bản luôn đoàn kết, thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, nhất là phong trào chuyển đồi cây trồng ở diện tích trồng cây kém hiệu quả; tập trung sản xuất rau màu; thực hiện các mô hình chăn nuôi tập trung; nuôi trồng thủy sản; thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiều hộ còn tích cực tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trưởng bản cho biết thêm: Bản Kè Tèo có 208 ha đất nông nghiệp, trong đó trên 12 ha đất trồng lúa cho sản lượng 80 tấn/vụ; 192 ha trồng ngô và cây ăn quả, trong đó, đã chuyển đổi 17 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên 77 ha. Cả bản có 185 con trâu, 247 con bò, trên 430 con lợn và hơn 3.000 con gia cầm. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên với thu nhập bình quân trên 26 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2015 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của bản đã giảm từ 12 hộ xuống còn 5 hộ; 100% số hộ đạt gia đình văn hóa.

Để cảm nhận cuộc sống đổi thay của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến gia đình anh Mùi Văn Bằng. Trước đây, gia đình anh là một trong những hộ đặc biệt khó khăn, thu nhập chủ yếu từ mảnh ruộng nhỏ và 1 ha đất trồng ngô, thu nhập chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Từ năm 2015, sau khi được vận động chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh đã cải tạo lại diện tích đất trồng ngô và chuyển đổi 4.000 m2 đất để trồng xoài, nhãn, bưởi. Sau 2 năm, cây ăn quả đã cho bói quả lứa đầu, thu trên 4 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2015, gia đình được vay 80 triệu của ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi 5 con trâu, bò sinh sản, tổng thu nhập của gia đình anh đạt gần 100 triệu đồng/năm, đời sống của gia đình đã được cải thiện rõ rệt.

Có được đời sống ổn định, cả bản đã cùng nhau góp tiền, đóng góp trên 1.500 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Tuyến đường nội bản dài gần 100 m, tổng kinh phí thực hiện trên 100 triệu đồng, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, bản đã thành lập một đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con trong những ngày lễ, tết; đội bóng chuyền, bóng đá của bản thường xuyên luyện tập, thi đấu, tạo không khí rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa bản như: đánh máng, ném còn, đánh quay, chơi tó má lẹ và nhảy xòe. Hơn chục năm trở lại đây, bản Kè Tèo là một trong những bản thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và phòng chống các tệ nạn xã hội, cả bản không có hộ nào sinh con thứ ba, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự mang lại hiệu quả đối với người dân nơi đây. Để tiếp tục giữ vững danh hiệu bản văn hóa tiêu biểu, bản Kè Tèo tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện tốt các quy ước, hương ước của bản; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng đời sống văn minh - văn hóa.   

Đức Anh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới