Cần thận trọng khi bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội

Chúng ta đều biết, hiện nay, công cụ truyền thông Internet cùng các trang mạng xã hội đang là công cụ truyền thông nhanh.

Trước những thông tin trên facebook cần phải tìm hiểu kỹ trước khi bày tỏ quan điểm.

 

Không phân biệt khoảng cách không gian, lứa tuổi, giới tính và dân tộc, vùng miền thu hút hàng chục triệu người tham gia. Tuy nhiên, đứng trước mỗi một vấn đề mà mình chưa hiểu rõ hay chỉ tiếp cận qua mạng xã hội thì mỗi cá nhân cần phải bình tĩnh, không nên vội vàng đưa ra ngay những phán xét có thể tác động đến đời sống xã hội hoặc cuộc sống riêng tư và tình cảm của người khác. Bởi trong thực tế, đã có không ít những trường hợp do phải chịu sức ép quá lớn từ dư luận, cụ thể là những bình luận ác ý, phán xét mang tính chụp mũ từ các trang mạng đã bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, trầm cảm và nguy hiểm hơn, đã có người phải tìm tới cái chết để né tránh sự phán xét chủ quan đầy ác ý của dư luận. Dư luận ở đây không đâu khác chính là những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của nhiều người mà ta thường gọi là tâm lý đám đông về một vấn đề họ chỉ tiếp nhận qua mạng xã hội mà chưa kiểm chứng.

Tâm lý đám đông vẫn hàng ngày xuất hiện xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Hàng ngày, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng triệu những lời bình luận trước một bài viết, cảm xúc hay hình ảnh của một ai đó được chia sẻ trên trang cá nhân Facebook. Tuy nhiên, điều đáng nói có không ít người mặc dù chưa một lần đặt chân tới địa danh đó, hiểu về con người đó, trải nghiệm sự việc đó, nhưng khi thấy những trạng thái chia sẻ trên Facebook là  ngay lập tức “tát nước theo mưa” bày tỏ quan điểm, phê phán chủ quan và chia sẻ công khai trên trang cá nhân mình mà không nghĩ tới tác động và hậu quả của việc làm đó... Do vậy, để giảm được những bình luận thiếu tích cực và giúp mỗi người có bản lĩnh trước những vấn đề chưa được kiểm chứng thì trước tiên mỗi chúng ta cần phải quảng bá những điều hay, lẽ phải trên các trang mạng xã hội thay vì đăng tải, chia sẻ những vấn đề gây tác động tiêu cực đến xã hội. Trong đó, vai trò của các cơ sở giáo dục, gia đình là rất quan trọng. Song hành với đó, mỗi người lớn, nhất là các bậc làm cha làm mẹ phải luôn gương mẫu trong việc sử dụng các trang mạng xã hội để con trẻ nhìn vào học tập... Luật sư Nguyễn Khánh Hùng, Công ty Luật TNHH Thịnh Hưng, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Chúng ta  cần phải xem xét từng nhóm người trong xã hội để đưa ra những phương pháp điều chỉnh hành vi sử dụng các trang mạng xã hội của mỗi người. Khi những hành vi văn hóa được lan tỏa thì trên các trang mạng xã hội cũng sẽ giảm những bình luận tiêu cực không tốt cho xã hội. Trong đó, ngoài vai trò của xã hội, gia đình thì các cơ quan truyền thông chính thống cần có những thông tin liên quan để giúp mỗi người dân hiểu rõ được vấn đề, giúp người dân không bị lôi kéo vào sự kiện chưa kiểm chứng. Bởi có khi hưởng ứng theo “tâm lý đám đông” lại phạm vào hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi này, ngoài xử phạt hành chính còn có thể cấu thành hai tội hình sự: Tội vu khống và tội làm nhục người khác được quy định rất rõ trong Bộ luật Hình sự và do đó việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm sẽ được thực hiện bằng những biện pháp hình sự... 

Từ vấn đề tưởng chừng là nhỏ nói trên, mỗi người dân cần phải có trách nhiệm hơn, lý chí hơn trước một khối lượng thông tin khổng lồ tràn ngập các trang mạng xã hội. Do vậy, trước khi thể hiện quan điểm của mình, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ cẩn trọng, đừng vội phán xét, hãy bình tĩnh bằng sự thấu cảm của mình để viết những lời bình luận khuyên răn một cách chân thành, đừng xúc phạm, đừng tỏ ra mình hiểu biết...

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới