Rộn ràng Tết xíp xí của đồng bào Thái trắng Mường Chiên

Tết xíp xí năm nay ở Mường Chiên được tổ chức sớm từ ngày 13/8 (tức ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch). Đây là ngày Tết, ngày hội lớn của đồng bào Thái trắng được gìn giữ từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Đông đảo nhân dân, du khách đã đổ về điểm du lịch cộng đồng bản Bon, xã Mường Chiên, Quỳnh Nhai để tham gia ngày tết rộn ràng này.

Giọng nữ
Lễ cúng tại miếu Tu Tỉ Nàng Han bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Nghệ nhân Điêu Văn Hịm, bản Quyền, xã Mường Chiên, nói: Theo tục lệ xưa, Tết xíp xí được tổ chức vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm (14 trong tiếng Thái là xíp xí). Tết xíp xí bắt nguồn từ nếp sinh hoạt gắn liền với tập quán sản xuất lúa nước của đồng bào miền núi. Hết vụ cấy, vào ngày Tết xíp xí thì làm mâm cúng vía trâu, tạ ơn con trâu đã giúp con người hoàn thành công việc cày cấy; cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ, trông coi giúp đồng ruộng và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ở Mường Chiên, Tết xíp xí ngày nay vẫn được gìn giữ với nghi lễ và các hoạt động sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc. Những năm gần đây, Tết xíp xí được UBND xã Mường Chiên tổ chức thành hoạt động văn hóa cấp xã, tạo cơ hội để bà con các bản làng cùng tụ họp, vui chơi và là dịp để những người con xa quê tìm về mỗi dịp tháng bảy.

Năm nay, chương trình vui Tết xíp xí được xã Mường Chiên tổ chức sớm. Phần lễ được tổ chức trang trọng tại miếu Tu Tỉ Nàng Han, bản Bon, là ngôi miếu thờ thần đất, thần núi, thần sông và Tướng Nàng Han của dân tộc Thái. 

Các nghệ nhân thực hiện phần nghi lễ Tết xíp xí.
Điệu múa nón truyền thống của dân tộc Thái Mường Chiên.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi. Các tiết mục văn nghệ, hát then, các điệu múa nón, múa khăn hòa trong tiếng đàn tính rộn ràng thu hút nhân dân và du khách đổ về sân bản Bon mỗi lúc càng đông vui, hòa mình vào không khí ngày tết tháng bảy bên bờ sông Đà. Tạ Thị Kim Oanh, du khách đến từ huyện Mai Sơn, hào hứng nói: Đoàn chúng tôi có 24 người đến trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Bon, tắm suối khoáng nóng, thưởng thức văn nghệ và được tham dự Tết xíp xí với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Du khách trải nghiệm đi cầu khỉ.
Phần thi chọi gà.

Đến với ngày hội Tết xíp xí, nhân dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, như: Thử tài thi đấu ném còn, đánh bài Thái, đi cầu khỉ, xem chọi gà… Đặc sắc nhất phải kể đến phần thi ẩm thực với chủ đề “mâm cỗ xíp xí”. Các đội thi đã mang đến mỗi đội một mâm cỗ với các món ăn mang đậm bản sắc và hấp dẫn, được trang trí theo chủ đề với những ý nghĩa riêng, hướng đến ngày Tết xíp xí truyền thống của dân tộc.

Phần thi ẩm thực.
Mâm cỗ Tết xíp xí.

Chị Hoàng Thị Loan, đội thi ẩm thực bản Quyền, chia sẻ: Mâm cỗ cúng Tết xíp xí truyền thống không thể thiếu món vịt luộc, trám đen om, xôi nếp, cá nướng… Ngoài ra, chúng tôi còn chế biến thêm nhiều món khác cầu kỳ và trình bày đẹp mắt với ý nghĩa gia đình sum vầy, cuộc sống sung túc, mong muốn giới thiệu đến bạn bè, du khách nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc Thái Mường Chiên.

Tết xíp xí năm nay, bà con ai nấy đều phấn khởi khi nghi lễ truyền thống của dân tộc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đầu tháng 8/2024. Đây là niềm vinh dự lớn, đem lại niềm tự hào cho đồng bào dân tộc Thái trắng ở Sơn La nói chung, tiếp thêm động lực để cổ vũ, khích lệ bà con tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thi ném còn.

Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, cho biết: Mường Chiên với 100% là dân tộc Thái trắng, sinh sống tại 3 bản. Vậy nên, Tết xíp xí cũng là tết chung của xã để bà con giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa của Mường Chiên, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng đất này.

Đông đảo nhân dân và du khách đến vui Tết xíp xí. 

Kết thúc ngày hội chung sôi động, đọng lại trong lòng mỗi người dân, du khách là niềm vui, sự hào hứng, phấn khởi, niềm tự hào khi văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn đang được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ. Đây là hoạt động ý nghĩa, khuyến khích đồng bào dân tộc, những người nắm giữ di sản tiếp tục bảo tồn, phát huy, động viên bà con đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới