Nơi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, phục vụ sinh hoạt chung của bà con nhân dân, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó làng bản.

Thi kéo co giữa các bản tại sân nhà văn hóa xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Cứ sau 20h mỗi tối, nhà văn hóa bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đông đủ các thành viên đội văn nghệ bản ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người cao tuổi. Các đội cùng luyện tập các tiết mục văn nghệ dân tộc hoặc tập nhảy dân vũ, không khí hào hứng, vui vẻ. Còn ban ngày, nhà văn hóa trở thành lớp dạy chữ nôm Dao cho nam giới trong bản theo lịch mỗi tuần 1 buổi.

Ông Đặng Văn Mình, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phiêng Đón, nói: Nhà văn hóa bản không chỉ là nơi để họp bản để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Cũng nhờ thế, nhân dân trong bản thêm đoàn kết, việc triển khai các hoạt động chung cũng được bà con đồng tình ủng hộ.

Khi đến các xã, bản, nhất là vào mỗi dịp lễ tết, dễ dàng nhận thấy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, nhà văn hóa trở thành địa điểm tập trung và kết nối các hoạt động của bản làng. Như tại Quỳnh Nhai, với hệ thống các thiết chế được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho các hoạt động văn nghệ, thể thao phát triển mạnh với 188 đội văn nghệ, 4 câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc”, 38 đội thể thao tại các xóm/bản của 11 xã trên địa bàn huyện. Cũng nhờ vậy, đã khuyến khích bà con bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện chỉ đạo đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất về văn hóa cấp xã, bản nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, từng bước hoàn thiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân trong bản.  Ảnh: PV

Từ nhiều năm nay, các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã được tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tạo nơi sinh hoạt chung cho các cộng đồng dân cư. Với hệ thống thiết chế văn hóa, tỉnh ta đang duy trì hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, Nhà thiếu nhi các huyện (Mai Sơn, Thuận Châu). Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 10 nhà văn hóa cấp huyện/thành phố; 185/204 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 2.898 nhà văn hóa cấp tổ, bản, tiểu khu, đáp ứng tốt về nhu cầu hoạt động và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của bà con nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh còn có  37 nhà tập luyện, nhà thi đấu thể thao, 15 bể bơi, 507 sân tập luyện, nhà thi đấu thể thao ngoài trời (sân vận động, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, sân quần vợt và các loại sân tập luyện, thi đấu thể thao khác). Toàn tỉnh hiện có 410 câu lạc bộ thể thao và 100 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao, góp phần thúc đẩy hoạt động thể dục thể thao quần chúng phát triển từ cơ sở, cổ vũ phong trào rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe trong nhân dân.

Ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng được khuyến khích duy trì và phát triển với đa dạng hoạt động, loại hình và các môn thể thao dân tộc, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể và giải trí của nhân dân. Các hoạt động này không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà còn là nơi bồi dưỡng những nhân tài thể thao tham gia vào các giải thể thao quần chúng, từ đó, tuyển chọn nhân tố cho đội tuyển vận động viên thành tích cao của tỉnh.

Nhà văn hóa, các sân thể thao trở thành địa điểm trung tâm kết nối cộng đồng dân cư, mang niềm vui đến bản mường, đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của nhân dân mọi nơi từ thành phố đến vùng nông thôn, giúp nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng khối đoàn kết tập thể, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới