Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, hơn 40 năm qua, bà Quàng Thị Bóng ở bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu vẫn luôn miệt mài dệt từng vuông vải thổ cẩm để làm nên những vỏ chăn, đệm, trang phục mang đậm bản sắc dân tộc và tận tình truyền dạy nghề cho lớp trẻ trong xã.
Bên chiếc khung dệt đã cũ theo thời gian, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày, bà Bóng vẫn say sưa dệt vải, tạo ra những tấm thổ cẩm đẹp, đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Bà Bóng tâm sự: Từ lúc 10 tuổi, mỗi lần thấy bà và mẹ bày khung dệt, tôi thường đến ngồi bên cạnh để học theo. Ban đầu là học cách xếp khung dệt, bày chỉ, rồi dệt các sản phẩm đơn giản như túi, khăn rồi mới đến những sản phẩm chăn, quần áo và những tấm vải lớn. Tôi được bà và mẹ dạy rằng phải làm thật tỉ mỉ, cẩn thận chứ không được làm qua loa, sơ sài. Có khi cả tháng mới dệt xong một sản phẩm, nhưng quan trọng là phải kiên nhẫn, sản phẩm làm ra dù chưa được đẹp, nhưng sẽ giúp tay nghề của mình tiến bộ hơn. Vì vậy, tình yêu đối với nghề dệt thổ cẩm cũng hình thành và lớn lên từ đó.
Bà Bóng chia sẻ thêm, từ bao đời, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con, nhà nào cũng có khung dệt, nhà nào đông con gái thì càng nhiều khung dệt; là con gái Thái mà không biết dệt thì sao lấy được chồng... Ban ngày, chị em bận rộn lao động trên nương rẫy, ngoài ruộng đồng; đêm về lại tranh thủ bên khung dệt. Từ trang phục, chăn gối, đệm, túi xách đến các vật dụng cá nhân đều do chị em tự tay thêu dệt. Dệt thổ cẩm bây giờ đỡ vất vả hơn. Trước kia, để có sợi thì phải trồng bông, nuôi tằm lấy kén rồi mới kéo ra sợi, sau đó sợi được đưa vào khung vuông rồi chạy quanh 8-10 ống chỉ để se. Ngày nay, xã hội phát triển, người dân chỉ cần đặt mua sợi ở các đại lý rồi đem về se và tiến hành những công đoạn dệt nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo bà Bóng, để dệt ra những tấm thổ thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, cần nhiều thời gian và công sức. Cứ tấm vải 1 mét thì mất 3-4 ngày nếu dệt liên tục. Để dệt xong một chiếc vỏ chăn thổ cẩm phải mất ít nhất 12-14 ngày liên tục; một chiếc vỏ đệm cũng phải mất 5-7 ngày. Nghề dệt thổ cẩm không nặng nhọc, vất vả nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo trong các khâu. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, họa tiết trên thổ cẩm thì chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có cách thức dệt riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm.
Ban đầu, bà Bóng chỉ dệt các sản phẩm thổ cẩm phục vụ cho gia đình, người thân, nhưng nhờ khéo léo, những sản phẩm thổ cẩm của bà được người dân trong bản, ngoài xã ưa chuộng, đặt hàng. Dần dà, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, bà dệt được 2-3 mặt chăn, 3-4 vỏ đệm bán cho những gia đình có nhu cầu; mỗi mặt chăn, vỏ đệm tùy theo họa tiết, hoa văn có giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/chiếc. Qua nhiều năm gắn bó với khung dệt, bà đã trở thành một trong những người có tay nghề giỏi nhất ở xã.
Tuy nhiên, càng yêu nghề bao nhiêu, bà Bóng càng lo lắng về sự mai một của nghề dệt thổ cẩm bấy nhiêu, bởi các mặt hàng may sẵn hiện giờ đa dạng về hình thức và mẫu mã đã chiếm ưu thế, lấn át các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống; nhiều bạn trẻ không quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm...
Mong muốn được truyền nghề cho thế hệ trẻ để sau biết đến nghề truyền thống của dân tộc mình, hơn 1 tháng nay, bà Bóng đã mở lớp truyền nghề miễn phí tại nhà cho các em học sinh có nhu cầu tham quan, trải nghiệm nghề dệt truyền thống.
Cứ đều đặn vào thứ 3 hàng tuần, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của bà lại thu hút rất đông các em học sinh của Trường TH-THCS Chiềng Khoi đến trải nghiệm, tham gia học dệt. Em Lường Thị Anh Thơ, lớp 6A, Trường TH-THCS Chiềng Khoi, cho biết: Mới đầu học dệt rất khó, nhất là cách kết hợp màu để tạo hoa văn trang trí, nhưng được bà chỉ dạy tận tình nên em cũng tự tin hơn trong việc học dệt vải. Những tiết học trải nghiệm như thế này rất bổ ích, giúp chúng em có thể hiểu hơn về nghề truyền thống của dân tộc mình.
Thầy giáo Hoàng Phúc Đại, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Chiềng Khoi, chia sẻ: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2021, môn học Giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy tại trường. Đây là môn học bắt buộc giúp học sinh có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí cũng như thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương mình đang sinh sống và học tập. Nhà trường đã lựa chọn nghề dệt truyền thống tại xã để giới thiệu, cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm. Qua đó, hình thành sự thích thú và niềm tự hào của học sinh đối với nghề truyền thống của quê hương mình, cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa.
Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc, bà Quàng Thị Bóng đang ngày đêm nỗ lực nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Tin tưởng rằng nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái tại xã Chiềng Khoi nói riêng, huyện Yên Châu nói chung sẽ được gìn giữ, truyền nối cho các thế hệ mai sau, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!