Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử của từng dân tộc. Với đồng bào Mường tỉnh Sơn La, họ có những nét đặc trưng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ, tạo cho phụ nữ Mường nét duyên dáng rất riêng khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Chiếm 8,4% dân số trong tỉnh, dân tộc Mường chủ yếu cư trú ở các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ… Do sinh sống ở các địa phương khác nhau, nên trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có một số nét khác biệt. Vùng Mộc Châu, Vân Hồ, phụ nữ mặc áo pắn (áo thân ngắn) đến chấm eo lưng, được xẻ ở ngực để tạo điểm nhấn. Trước đây, áo pắn chỉ có hai màu nâu và trắng, nhưng nay có đủ màu sắc. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường vùng này được tạo điểm nhấn bằng yếm và khăn đội đầu. Chiếc khăn đội đầu là một dải vải trắng không viền, rộng khoảng một gang tay, dài quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc, dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, giữ ấm khi thời tiết lạnh ở vùng cao.
Còn trang phục phụ nữ Mường vùng Phù Yên, Bắc Yên, lại có sự giao thoa đậm nét với trang phục phụ nữ ngành Thái trắng. Chị Hoàng Thị Tuyết, bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, cho biết: Áo thường được may bằng loại vải sợi bông kẻ ca-rô, với phần thân áo ngắn, ôm vừa phần ngực, tay áo dài. Áo không có cổ mà chỉ là nẹp áo vòng quanh cổ, có hàng cúc bằng hạt cườm ôm khít lấy người khoe được vẻ đẹp của cơ thể người phụ nữ, tạo sự gọn gàng, duyên dáng cho họ.
Váy của phụ nữ Mường ở các vùng đều có điểm giống nhau ở 3 bộ phận chính là đầu váy, thân váy và cạp váy. Trong đó, đầu váy là chi tiết quan trọng, bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo, thường là các họa tiết hoa văn thêu hình chim muông. Thân váy dùng các loại vải sa tanh, hoặc vải nhung, màu đen là chủ đạo. Cạp váy được vắt và khâu bên trong thân váy thường có màu đỏ hoặc đen. Khi mặc, cạp váy cao ôm sát người tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Mường và thể hiện nét đặc trưng riêng biệt mà những dân tộc khác ít có được.
Các bộ trang phục truyền thống dân tộc Mường do những người phụ nữ làm nên, từ trồng dâu, nuôi tằm, bật bông, xe sợi, dệt vải và may thành sản phẩm. Tùy thuộc vào độ tuổi, người phụ nữ sẽ khéo léo kết hợp các màu sắc với nhau phù hợp. Nếu là cô gái Mường đang tuổi hẹn hò, yêu đương sẽ chọn thổ cẩm gam màu sáng, thêu những hoa văn uốn lượn, bay bổng, thơ mộng. Phụ nữ lớn tuổi lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống.
Ngày này, trước sự phát triển của kinh tế, xã hội, đã xuất hiện nhiều dạng chất liệu dệt, vải vóc khác nhau, do vậy, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường cũng được sáng tạo, may gọn nhẹ, dễ mặc hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc truyền thống. Lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình, hiện nay, phụ nữ dân tộc Mường độ tuổi trung niên vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống hằng ngày, còn đa phần đều mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ, tết, ngày hội văn hóa.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích khôi phục nghề dệt thổ cẩm; sưu tầm trang phục truyền thống, trong đó có trang phục dân tộc Mường phục vụ cho công tác quản lý, lưu giữ, bảo tồn. Tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm đưa trang phục của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch, gắn với bảo tồn các nét đẹp văn hóa, cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, trường học khuyến khích công chức, viên chức, người lao động, học sinh thường xuyên mặc trang phục truyền thống, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Từ đó, có những đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!