Khảo cổ học Sơn La – mảng màu văn hóa đặc sắc

Trên mảnh đất Sơn La, có nhiều di tích khảo cổ đã được tìm thấy ven thềm sông Đà trước đây. Qua bước đầu khảo sát, khai quật các di tích, xác định niên đại những vi vật cổ đã phần nào chứng minh sự tồn tại và phát triển của cư dân cổ từ thời kỳ đồ đá cho đến các giai đoạn sau này. Khảo cổ học tại Sơn La hiện vẫn còn những bí ẩn về lịch sử thời xa xưa cần được nghiên cứu, tìm hiểu và làm sáng tỏ.

Bộ sưu tập cổ vật trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Sơn La
Ảnh: Thanh Đào

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 11 di tích thuộc loại hình khảo cổ đã được công nhận xếp hạng, xác định vị trí, tên gọi và được lập hồ sơ khoa học theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có thể kể đến di tích Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, được phát hiện sớm nhất từ năm 1927 được coi là “căn nhà” tự nhiên của người tiền sử đã được thăm dò, khai quật và phát hiện hàng nghìn hiện vật có niên đại từ 1.000 - 6.000 năm. Hang Co Noong tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, nằm ngay bên bờ sông Đà, được khai quật năm 1997 và phát hiện nhiều di vật được xác định có niên đại từ thời hậu kỳ đá mới. Cùng nhiều hang động tự nhiên khác đã được thăm dò bước đầu cho thấy chứng tích của cư dân cổ như: Hang Thẩm Puốc ở Bắc Yên; hang mộ Tạng Mè, hang Pông ở Vân Hồ; hang Hua Bó ở Mường La; hang Thẳm Mu ở Mai Sơn; hang Tắng ở Phù Yên; hang Lán Le ở Quỳnh Nhai...

Hơn 11.000 hiện vật khảo cổ học đã được tìm thấy về mang về trưng bày, lưu  giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh, được xác định có niên đại từ thời đồ đá cũ, đồ đá mới và thời kỳ đồng thau. Các hiện vật có nhiều loại hình phong phú như: Đá cuội, mảnh tước, mảnh gốm, mũi tên, vũ khí chiến đấu, đồ đựng, trống đồng, trang sức bằng đồng, di chỉ mộ táng còn di cốt tương đối nguyên vẹn… Đó là minh chứng sống động cho sự phát triển liên tục của cư dân cổ qua các thời kỳ, bắt đầu từ thời đại nguyên thủy cho đến buổi đầu của thời đại văn minh kim khí tại mảnh đất Sơn La.

Các chuyên gia của Hội Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu, xử lý hiện vật cổ sau khi khai quật
Ảnh: Thanh Đào

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản nhiều hiện vật khảo cổ học có giá trị rất lớn về văn hóa và lịch sử. Trong đó có những hiện vật quý giá có niên đại từ thời kỳ Tiền – Sơ sử, đặc biệt là bộ sưu tập 34 chiếc trống đồng được tìm thấy tại các di tích khảo cổ ven sông Đà của Sơn La. Đây là những di sản vô giá được Bảo tàng tỉnh quản lý, bảo quản và trưng bày một số hiện vật còn tương đối nguyên vẹn để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.

Thực hiện việc xây dựng 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La khảo sát, thăm dò và khai quật hệ thống di chỉ khảo cổ học thuộc 2 vùng lòng hồ. Cách đây hơn 50 năm, đã phát hiện 24 di chỉ khảo cổ trên địa bàn 3 huyện (Mộc Châu, Yên Châu và Phù Yên) thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tổ chức thăm dò, khai quật và thu được hàng ngàn di vật. Các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát lại các di chỉ, hệ thống hóa toàn bộ tư liệu khảo cổ học, phác thảo diễn trình lịch sử - văn hóa các cộng đồng cư dân từ khoảng 30.000 năm đến 3.000 năm cách ngày nay. Tại vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, phát hiện 15 di chỉ thuộc 3 huyện (Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La), khai quật hơn 6.000 di vật; cung cấp tư liệu sống động cho Nhà trưng bày Di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện (huyện Mường La), giới thiệu về truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Từ năm 2015 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện và hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu về phát huy di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình (trên địa bàn tỉnh). Kết quả của 2 đề tài không chỉ nghiên cứu chuyên khảo về khảo cổ học mà còn đánh giá những giá trị về lịch sử, văn hóa, tài nguyên du lịch và đề ra định hướng bảo tồn, phát huy di sản khảo cổ trong giai đoạn hiện nay.

Các chuyên gia khảo cổ học tiến hành tham dò, khai quật  tại di chỉ hang Tắng, huyện Phù Yên.
Ảnh: PGS.TS Nguyễn Lân Cường

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: Từ các di tích, di chỉ, nhất là các hang mộ, chúng tôi tiến hành trực tiếp khảo sát, khai quật, tìm kiếm di vật cổ, xác định niên đại. Đặc biệt là giám định trên di cốt người nguyên thủy đã được tìm thấy để xác định chủ nhân của các giai đoạn văn hóa thời cổ xưa. Từ đó có thể thấy, Sơn La còn lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều chứng tích về các giai đoạn phát triển liên tục của cư dân cổ từ thời kỳ đồ đá cũ, sang thời kỳ đá mới cho đến thời đại đồng thau, hình thành nên thời kỳ văn minh kim khí sau này.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã và đang tích cực phối hợp với chuyên gia của Viện Khảo cổ và Hội Khảo cổ Việt Nam tiến hành khảo sát, khai quật, giám định và hoàn thiện hồ sơ khoa học cho một số di tích, di chỉ và di vật cổ. Qua đó cung cấp nguồn tư liệu quý giá để biên soạn về lịch sử, địa chí địa phương, khai thác hiện vật giá trị trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và đặc biệt là thêm khẳng định về quá trình phát triển văn hóa Tiền sử tại mảnh đất Sơn La trong nền văn hóa quá khứ xa xưa của dân tộc.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới