Du lịch Sơn La những năm gần đây ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đang trên đà phát triển mạnh mẽ, là trung tâm của du lịch Sơn La, tạo đà thúc đẩy sự phát triển chung cho du lịch của tỉnh. Bởi vậy, việc kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa được xem là giải pháp hay nhằm khai thác, phát huy tiềm năng của các di tích trong phát triển loại hình du lịch văn hóa – lịch sử hay du lịch “về nguồn”.
Toàn tỉnh hiện có 96 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bao gồm 65 di tích đã được xếp hạng, 31 di tích chưa được xếp hạng. Trong đó, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Các di tích là nguồn tài nguyên để phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc biệt ý nghĩa.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, phân tích: Các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Sơn La rất đa dạng về loại hình, có danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và phân bố trên địa bàn cả 12 huyện, thành phố.
Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo, lập hồ sơ xếp hạng di tích đã được các địa phương quan tâm. Nhiều di tích đã có ban quản lý, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng. Trong khi đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm ngay khu vực cửa ngõ của tỉnh, du lịch đang phát triển mạnh mẽ. Việc kết nối giữa khu du lịch, nhất là các di tích lịch sử tại Mộc Châu, Vân Hồ với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ tạo yếu tố đòn bẩy, thúc đẩy loại hình du lịch về nguồn phát triển.
Nhiều di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch “về nguồn” tại Sơn La, như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Đền thờ Vua Lê Thái Tông (Thành phố); Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến (Mộc Châu); Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn); Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt (Phù Yên); Đền thờ liệt sĩ tại Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin (Thuận Châu)… Đa phần các di tích có giá trị lớn, đang được đầu tư tôn tạo đều nằm dọc tuyến quốc lộ 6, tạo tính liên kết về giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối hành trình du lịch từ Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện, thành phố triển khai lập hồ sơ trình xếp hạng 1-2 di tích. Đồng thời, thực hiện kiểm kê, lập danh mục những di tích mới phát hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, đã đo đạc, khoanh vùng các khu vực bảo vệ 58/65 di tích, có 38/65 di tích được tu bổ, phục hồi, tập trung tu sửa các hạng mục chính, góp phần gìn giữ các yếu tố gốc của di tích, tạo cảnh quan môi trường tại di tích xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, cho biết: Mộc Châu hiện có 14 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh. Thị xã đã tập trung nguồn lực, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị của các di tích; thực hiện số hóa di tích lịch sử với việc triển khai quét mã QR cho 5 công trình, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin về các điểm di tích trên địa bàn. Các di tích cấp quốc gia đã được thành lập ban quản lý, khai thác tốt giá trị phục vụ phát triển du lịch, trở thành điểm đến đối với nhiều du khách, được các công ty du lịch đưa vào lịch trình tour, tuyến du lịch khi đến Mộc Châu, như: Hang Dơi, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến... Mỗi năm, các di tích này đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, tạo doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Nói về việc kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch, bà Hoa chia sẻ thêm: Trong thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh cần nghiên cứu phát triển các mô hình, tour tham quan các di tích lịch sử văn hoá, tạo tính liên kết trong phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch chung. Tổ chức các đoàn famtrip chuyên đề khám phá các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển loại hình du lịch này.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, giới thiệu giá trị các di tích bằng nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng việc biên soạn thuyết minh di tích gắn với các câu chuyện lịch sử, tạo cảm xúc cho du khách khi tham quan. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giới thiệu, quảng bá ý nghĩa, giá trị các di tích và kết nối giữa các địa phương, khu vực để phát triển du lịch.
Với mong muốn tìm giải pháp tích cực phát huy giá trị các di tích để phát triển du lịch, tháng 12/2024, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức Hội thảo “Kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Sơn La”, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về văn hóa – lịch sử và những người làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận là những bài viết nghiên cứu, phân tích sâu sắc về tiềm năng, vai trò và giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa của Sơn La. Qua đó, giúp xây dựng nguồn tư liệu, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, đề ra những giải pháp giúp phát huy giá trị các di tích, khai thác tiềm năng, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn du khách.
Tiến sĩ Tống Thanh Bình, Phó Trưởng bộ môn Lịch sử, Khoa học xã hội, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa nhằm thúc đẩy du lịch tại Sơn La cần được thực hiện một cách bài bản và khoa học. Trong đó, phải có giải pháp cụ thể trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp tham quan di tích lịch sử với trải nghiệm tín ngưỡng và văn hóa địa phương; tổ chức các tour du lịch tâm linh vào các dịp lễ hội lớn... Biên dựng các câu chuyện về di tích, gắn kết các danh lam thắng cảnh của địa phương, câu chuyện nhân văn, ý nghĩa và có hồn để thu hút, níu chân du khách đến với mỗi miền đất. Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, có tính giáo dục cao, tạo dấu ấn, điểm nhấn đối với khách du lịch khi đến với Sơn La.
Những kết quả triển khai tại Mộc Châu và một số di tích trên địa bàn tỉnh cùng những giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn của các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ là cơ sở, tiền đề để những người làm công tác quản lý về du lịch tiếp tục triển khai hiệu quả việc tạo tính kết nối giữa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh để phát triển du lịch. Gắn phát triển du lịch với phát huy tốt giá trị các di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa cũng là một trong những giải pháp để du lịch của tỉnh phát triển bền vững, đúng định hướng, bảo tồn vẹn nguyên bản sắc và giá trị cội nguồn của quê hương Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!