Huổi Ái gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Là bản duy nhất của xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, có 100% dân tộc Mông sinh sống, với 71 hộ, 320 nhân khẩu, những năm qua, nhân dân bản Huổi Ái luôn tích cực giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Vừ Bả Khứ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Ái, cho biết: Tháng 12 năm 2022, bản Pá Hốc và bản Co Hịnh sáp nhập lấy tên là Huổi Ái. Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các già làng, trưởng bản, người có uy tín truyền dạy cho thế hệ trẻ bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc qua trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực, tiếng nói... 100% các hộ trong bản làm nhà theo kiến trúc dân tộc Mông, có bếp đun củi truyền thống. 

Phụ nữ bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp thêu hoa văn, họa tiết trên vải lanh truyền thống.

Huổi Ái đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có những bài múa khèn, với điệu nhảy tha kềnh, múa sênh tiền, kết hợp hài hòa giữa các động tác nhảy, múa, tung hứng và âm thanh độc đáo từ cây gậy, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ trong lao động, sản xuất của nhân dân. Hiện tại, múa khèn điệu nhảy tha kềnh, múa sênh tiền luôn được nhân dân trong bản sử dụng biểu diễn ở các chương trình giao lưu với các bản và các xã khác. 

Các hộ dân bản Huổi Ái còn lưu giữ nhiều nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, sáo, khèn lá. Đặc biệt là cây gậy sênh tiền, nhạc cụ được chế tác từ thân cây trúc, có đường kính từ 5 đến 7cm, dài khoảng 1m, phơi gác bếp thật khô, chia làm bốn phần, trong đó có ba phần đục lỗ để xâu các đồng xu, phần còn lại để người múa cầm khi biểu diễn. Hai đầu gậy buộc thêm chỉ màu sặc sỡ để tạo sự mềm mại, bắt mắt. Trong nhạc cụ dân tộc Mông, gậy sênh tiền được dùng trong cả việc hiếu cũng như trong các hội vui.

Bếp lửa truyền thống được các gia đình bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp duy trì sử dụng.

Là dòng trang phục Mông Đơ, trang phục của bà con bản Huổi Ái có màu sắc chủ đạo là  đỏ, xanh và các họa tiết trang trí được thêu trên nền vải lanh trắng hoặc màu. Một trong những người chuyên thêu, may trang phục dân tộc Mông ở bản nhiều năm nay, chị Mùa Thị Lia chia sẻ: Áo nam có tay dài, thân áo được may ngắn hở từ 8 đến 10 cm bụng; quần dáng rộng ống xòe, có cạp quần và phần dây buộc thắt lưng. Còn trang phục nữ gồm váy, áo, yếm, xà cạp, thắt lưng có họa tiết sặc sỡ, đính kèm các đồng xu... Thành viên trong gia đình nào cũng có một, hai bộ đẹp để mặc vào dịp lễ trọng; còn những ngày thường, khi lao động sản xuất nam, nữ dân tộc Mông sử dụng vải công nghiệp có in họa tiết gần giống thêu tay, nhưng trọng lượng trang phục nhẹ hơn.

Về ẩm thực, dân tộc Mông bản Huổi Ái có nhiều món ăn truyền thống, như các loại thịt hun khói, măng ớt, xôi nếp nương… Đặc biệt là bánh dày vào mỗi dịp lễ, tết, gia đình có việc vui… Nhân dân bản Huổi Ái coi trọng Tết cổ truyền, đây là dịp để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm,  cầu cho một vụ mùa mới thuận lợi. Trong dịp này, mọi người đến nhà nhau chung vui, cùng giã bánh dày, múa, hát, ném pao… và thưởng thức những món ăn độc đáo.

Hằng năm, bản được hỗ trợ kinh phí hoạt động đội văn nghệ. Nhiều phụ nữ được tham gia các lớp dạy nghề may, thêu truyền thống, lớp dạy tiếng Mông của huyện, tỉnh tổ chức… Bằng nhiều cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống, nhân dân bản Huổi Ái đã phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở.

Trang phục của nhân dân bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp sử dụng trong các lễ hội, Tết cổ truyền.
Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới