Từ niềm đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, những nghệ nhân, người có uy tín và đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Yên lưu giữ, truyền dạy cho con cháu những nét văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Bắc Yên là huyện vùng cao, có 7 dân tộc: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Tày và Kinh cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời với những giá trị truyền thống trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống... Đến với Bắc Yên, khắp các bản, làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị em gái dân tộc Mông tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngồi thêu, may vá thổ cẩm, trang phục dân tộc.
Chị Sồng Thị Dụ, tổ trưởng tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông xã Tà Xùa cùng các thành viên luôn truyền dạy cho con cháu nghề thêu hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, góp phần giải quyết việc làm và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Có những chị em đã mở tiệm may trang phục dân tộc, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Dụ chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Bắc Yên, năm 2019, tôi thành lập Tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông. Tham gia Tổ liên kết, các thành viên được tập huấn kiến thức cơ bản về quản lý tài chính hộ gia đình; kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và được đi học hỏi kinh nghiệm làm các sản phẩm dân tộc gắn với phát triển du lịch ở một số địa phương.
Mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp phát triển du lịch, ông Thào Tồng Say, bản Chống Tra, xã Háng Đồng đã duy trì làm khèn Mông và truyền dạy, hướng dẫn người dân trong bản và con cháu múa khèn. Tận tình hướng dẫn, kèm dạy, chỉnh sửa cho con em trong bản từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của dân tộc. Ông Say đã khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình. Nhờ đó, dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các bản vùng cao, nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai dân tộc Mông ở vùng cao Bắc Yên không bao giờ dứt. Ông Say còn hướng dẫn kỹ thuật làm khèn cho người dân trong bản, giúp các hộ có thêm nguồn thu nhập từ sản phẩm văn hóa của địa phương.
Ông Thào Tồng Say chia sẻ: Để làm ra chiếc khèn mất từ 5-7 ngày, với nhiều công đoạn; thân khèn phải làm bằng gỗ thông hoặc pơ mu, ống thì chọn cây trúc già, thẳng, đẹp. Đặc biệt, để có âm thanh trong và vang thì việc làm lưỡi đồng mất khá nhiều thời gian. Với nghề làm khèn, không những giúp gia đình có thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng, mà còn góp phần giới thiệu sản phẩm khèn Mông đến các dân tộc khác, các vùng miền khác.
Còn tại xã Mường Khoa, với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc Thái, những năm qua, chị Quàng Thị Ưởng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Chẹn đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu khắp Thái. Chị Ưởng chia sẻ: Tôi cùng các chị em trong bản đã thành lập CLB hát dân ca Thái, với 15 thành viên, thường xuyên sưu tầm, tổ chức luyện tập và truyền dạy điệu khắp cho các thế hệ trẻ.
Bằng tài năng, kinh nghiệm, các nghệ nhân, người có uy tín và những người đam mê văn hóa dân tộc truyền thống là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc huyện Bắc Yên, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!