Định hướng phát triển toàn diện văn hóa, con người Sơn La trong thời kỳ mới: Kỳ 3. Những giải pháp phát huy bản sắc văn hóa, con người Sơn La

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa công cuộc hội nhập, đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, văn hóa, con người Sơn La đã và đang có nhiều thay đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, trong đó, ngoài các yếu tố tích cực đem đến từ sự tiếp thu, giao thoa văn hóa, đã xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực, những mâu thuẫn giữa hội nhập và phát triển khoa học kỹ thuật với việc xây dựng, phát huy bản sắc văn hóa, con người Sơn La.

Giọng nữ
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La.

Để văn hóa, con người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc. Từ thực tiễn của Sơn La và các cơ sở lý luận khoa học; chủ trương, đường lối của Đảng ta về phát triển văn hóa, con người. Xin tham góp một số đề xuất mang tính định hướng trong việc phát triển văn hóa, con người Sơn La trong thời kỳ mới, với một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, trong các hoạt động nhận thức và thực tiễn, phải luôn bám sát quan điểm chỉ đạo: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, hệ điều tiết cho phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (các giá trị văn hóa phải trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển của các lĩnh vực). Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, điều đó đòi hỏi cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng và phát triển văn hóa phải là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng.

Thứ hai, xây dựng văn hóa của mỗi địa phương, dân tộc phải hòa trong mục tiêu tổng thể xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa phải xác định trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, trung thực, cần cù, sáng tạo.

Thứ ba, từ thực tiễn tỉnh Sơn La, đòi hỏi và đặt ra yêu cầu chúng ta phải từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức xã hội, thông qua việc chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, trong từng cộng đồng làng bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội (đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới) trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách.

Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca Sơn La – Tây Bắc”

Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa (trong đó có các cơ chế chính sách nhằm đặt sự phát triển văn hóa, con người gắn với phát triển kinh tế để phát huy nội lực, khả năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân và Nhân dân, khắc phục được cơ chế bao cấp, thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu tính năng động, sáng tạo; những bất hợp lý trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa…).

Thứ năm, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa các cấp tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới; thực hiện tốt việc bố trí cán bộ làm công tác văn hóa các cấp với phương châm "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", do đó công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm phát huy tốt  vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung.

Thứ sáu, khẩn trương xây dựng, ban hành và thực hiện bộ tiêu chí, các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Sơn La thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững để triển khai đồng bộ, thống nhất. Nhằm tạo môi trường và điều kiện để con người được phát triển toàn diện đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trí tuệ năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; tinh thần yêu nước, từ hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước.

Thứ bảy, chủ động, tích cực giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc, vùng miền và văn hóa nhân loại. Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực, tham gia phát triển văn hoá, quảng bá hình ảnh, con người Sơn La. Chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp của các vùng miền, các nước trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái về văn hóa của hội nhập toàn cầu.

Nguyễn Duy Lương (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới